Quốc hội yêu cầu khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Đại biểu Quốc hội lo ngại làn sóng rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống |
Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và cơ quan liên quan triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội và chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. |
"Đến năm 2025, nâng chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28% đến 30%; thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng số trình độ cơ bản đạt 80%", nghị quyết nêu.
Cũng tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện tự chủ theo lộ trình, đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Cùng với đó, Chính phủ và cơ quan liên quan cần rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh; đến năm 2025, giảm khoảng 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020. Trong đó, giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư trong phát triển giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường - Nhà nước - doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng sa thải lao động, nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, khắc phục những hạn chế của chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Khẩn trương hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động và việc làm, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt, chủ động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số.
"Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm; sớm có giải pháp giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Trong quý III/2023, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo dõi, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của nền kinh tế và thị trường lao động để chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động", nghị quyết nêu rõ.
Đặc biệt, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan có liên quan hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bảo đảm công tác quản lý, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo nghị quyết, đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội.
Trong năm 2023, Chính phủ chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh chưa được pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.