Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội bứt phá, phát triển!
Hà Nội dự kiến sẽ có 3 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô |
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc sáng nay 26/3.
Ngay sau khi khai mạc, các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô Hà Nội; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định hiện hành; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Về nội dung chính quyền tại Thủ đô, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia góp ý về mô hình tổ chức và tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như đề xuất trong dự thảo luật; nhất trí với việc không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. |
Theo tờ trình của Chính phủ, qua quá trình thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, không có vướng mắc; do đó việc giữ ổn định tổ chức như vậy là phù hợp, tránh sự xáo trộn không cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng và TP HCM cũng đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và khác với Hà Nội là cả 2 thành phố này đều không tổ chức HĐND ở cả quận và phường.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại cả 3 địa phương nêu trên để nghiên cứu, cân nhắc có thể áp dụng tương tự tại thành phố Hà Nội (không tổ chức HĐND ở phường).
Về việc cho phép UBND, Chủ tịch UBND TP phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hoặc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với nội dung này.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Theo đó, việc phân cấp, uỷ quyền chỉ nên được thực hiện trong một số lĩnh vực và với các điều kiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, tránh bị lạm dụng trong thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Trước đó, phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 31 sáng 14/3 liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo luật đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nội dung của dự thảo luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Liên quan đến nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo luật đã được chỉnh sửa thêm một bước. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, đảm bảo tính thông nhất trong hệ thống pháp luật…
Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.