Quốc hội sẽ sửa Luật Thuế giá trị gia tăng trong năm 2024
Năm 2024 sẽ sửa Luật Thuế giá trị gia tăng |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các chính sách cơ bản như đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. |
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) các dự án luật: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để khẩn trương chuẩn bị hồ sơ các dự án luật bảo đảm chất lượng, tiến độ; trong quá trình soạn thảo, nếu điều chỉnh, bổ sung chính sách so với các chính sách đã được đề xuất thì phải đánh giá tác động đầy đủ theo quy định.
Ngoài ra, Chính phủ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2024, chậm nhất là tại phiên họp tháng 4/2024 đối với 3 dự án luật: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); tại phiên họp tháng 8/2024 đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), theo Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long, Luật Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi thành năm 2009.
Nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc sửa đổi luật này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Ông Tùng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác; cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; xem xét lại việc bổ sung quy định trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.