Quốc hội khóa XV họp bất thường lần thứ 5

Sáng nay 15/1, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Quốc hội họp bất thường lần thứ 5 xem xét 4 nội dung quan trọng Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, chuẩn bị kỳ họp bất thường

Theo chương trình dự kiến, vào 7h30, Quốc hội sẽ tiến hành họp phiên trù bị, nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tiếp theo, Quốc hội sẽ nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Văn Thạnh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

undefined
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, sáng 15/1.

Vào 8h sáng cùng ngày, Quốc hội họp phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An): Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quối hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước, thể hiện tính tuân thủ nghiêm túc của công tác lập pháp.

Đối với 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng tại kỳ họp thứ 6, nhưng vẫn có những nội dung, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất…

Quốc hội khóa XV họp bất thường lần thứ 5

Do đó, Quốc hội đã nghiêm túc cân nhắc và chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 mà quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật.

Sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật, tôi cũng như rất nhiều cử tri đều kỳ vọng và tin rằng 2 dự án luật này sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần này sẽ được thực thi đồng bộ với một số luật có mối liên quan chặt chẽ mà đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đó là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản, dịch vụ thương mại… sẽ được kích cầu và tăng mạnh trở lại trong thời gian tới.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến bế mạc vào sáng 18/1/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội sẽ nghỉ 1 ngày (17/1/2024) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung.

Thứ nhất, dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự án luật này trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Thứ hai, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự án luật này được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác).

Thứ ba, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Những nội dung dự kiến xem xét, quyết định trong kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn hiện tại trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì những điểm nghẽn này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung.

Tôi kỳ vọng các đại biểu sẽ nghiên cứu sâu, kỹ tài liệu, tích cực thảo luận để thông qua 2 dự án luật quan trọng; cũng như đóng góp nhiều ý kiến vào 2 nghị quyết.

Quốc hội khóa XV họp bất thường lần thứ 5

Các dự án luật được thông qua và 2 nghị quyết được ban hành sẽ là động lực, là những cơ chế có ý nghĩa đặc biệt cần thiết để Chính phủ điều hành việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay.

Với Luật Đất đai (sửa đổi), hiện nay chúng ta đang gặp quá nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những điểm nghẽn này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí có cả những xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai hiện hành với một số luật khác trong những quy định cụ thể.

Việc sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải toả khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng cần thiết và cấp bách. Chính vì thế, việc xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động