Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc thường xuyên và lâu dài
Kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng Bỏ thanh tra huyện, ai giải quyết khiếu nại tố cáo, tham nhũng? Đẩy mạnh điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố đã tổ chức 4.406 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Phát hành 207.665 tài liệu, cẩm nang liên quan các quy định về phòng, chống tham nhũng.
Năm 2021, các cơ quan, đơn vị tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của thành phố thường xuyên phối hợp trong công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử; Định kỳ tổ chức họp liên ngành để trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm giải quyết đối với các vụ án, vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm xây dựng, mua sắm, trang bị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp...
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị có lúc còn chậm tiến độ, nhất là trong lĩnh vực giám định tư pháp; Hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số đơn vị chưa cao; Tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm; Phát hiện tiêu cực, tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra còn ít…
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục làm cho hệ thống chính trị, người dân nhận thức sâu sắc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch quán triệt sâu rộng, thường xuyên, quan tâm thật sự hơn nữa và đề ra giải pháp, chính sách phòng ngừa tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị, từng hoạt động, từng con người cụ thể để mỗi người ý thức trách nhiệm sâu sắc về vấn đề này gắn với việc học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa 13 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng thời, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số điểm mới; Trong đó, quá trình thanh tra, kiểm tra, thi hành án cần có mối quan hệ chặt chẽ để xử lý kịp thời, nghiêm minh, chủ động cung cấp thông tin kết quả kiểm tra xử lý và công khai khi những vấn đề có thể công khai để quần chúng Nhân dân theo dõi giám sát; Phát huy tác dụng phòng ngừa, giáo dục răn đe, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai quán triệt chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên lĩnh vực chính trị, đạo đức, lối sống…