Phối hợp chặt chẽ trong quá trình Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Tòa án Nhân dân TP, Viện Kiểm sát Nhân dân TP trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 20/10.
Quang cảnh hội nghị |
Tích cực góp ý tại diễn đàn Quốc hội
Báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, ngày 20/9/2023, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, UBND TP đã phối hợp với đại diện Bộ Tư pháp tổ chức họp, thực hiện việc rà soát, tiếp thu, giải trình, chính lý dự thảo Luật.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện hồ sơ mới của dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội theo Tờ trình số 512-TTr-CP ngày 4/10/2023 của Chính phủ. Ngày 12/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể về thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó thống nhất dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo tại hội nghị |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; Một số vấn đề mới, đặc thù có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, quá trình thảo luận về dự án Luật tại Quốc hội sẽ không tránh khỏi việc có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở cùng một vấn đề.
Trong thời gian bước vào kỳ họp Quốc hội sắp tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành TP tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc giải trình, thuyết minh về dự án Luật; Bám sát các cơ quan thuộc Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương để báo cáo giải trình, làm rõ về dự án Luật để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội về dự án Luật.
Để giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa và các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), từ đó tạo sự ủng hộ, góp ý thiết thực, hiệu quả cho dự án Luật tại diễn đàn Quốc hội, UBND TP kính đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP quan tâm nghiên cứu, góp ý đối với Luật Thủ đô (sửa đổi); Cho ý kiến đối với những nội dung đề nghị của TP nêu tại mục I - đặc biệt là các nội dung quy định về quyết định biên chế, thẩm quyền của Thường trực HĐND TP, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, hình thức hợp đồng BT, quy định về giữ lại tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP…
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội nghị |
Triển khai hiệu quả, quyết liệt các vấn đề cử tri quan tâm
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc tình hình TP để có thêm thông tin thực tiễn phục vụ hoạt động tại nghị trường của Quốc hội. Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và các sở, ngành TP tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội để triển khai quyết liệt hơn những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Thống nhất với các giải pháp đã nêu trong các báo cáo của các cơ quan, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh một số nội dung đề nghị các cấp, ngành TP tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, các đơn vị cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và TP; Triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, các chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Trước mắt, tại kỳ họp thứ 6, các cơ quan TP phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP để cung cấp thông tin trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, nhất là cấp cơ sở; Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Các cấp, các ngành TP cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; Huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng; Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu...
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội nghị |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp, ngành tập trung giải quyết các kiến nghị, vụ việc cụ thể mà Đoàn giám sát “Việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vụ tồn đọng, kéo dài trên địa bàn TP Hà Nội” đã chỉ ra, giải quyết có hiệu quả, thực chất; Đồng thời, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25 - CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.
GRDP tăng 6,08%, thu ngân sách đạt 91,3% dự toán Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của TP Hà Nội 9 tháng năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP tăng 6,08%; GRDP quý sau đều cao hơn quý trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 559.549 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,458 triệu lượt, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó: Khách quốc tế đạt 2,12 triệu lượt, gấp 3,7 lần. Tuy nhiên, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 8,6%); Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2%... Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP lũy kế đến ngày 15/10 là 322.263 tỷ đồng, đạt 91,3% dự toán, tăng 26,2% so với cùng kỳ. 9 tháng qua, Hà Nội cũng đã thu hút được 2,524 tỷ USD vốn đầu tư FDI, vượt kết quả cả năm 2022. TP đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; Trong đó, đã khởi công dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô, đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và đường Âu Cơ (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân), khánh thành và thông xe cầu Vĩnh Tuy 2... Tuyến đường song hành thuộc gói thầu số 2.1 đường Vành đai 4 đã được khởi công ngày 25/6/2023; Đến nay, trên toàn tuyến đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu... |