Phó Thủ tướng: Kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá
Ngân hàng Nhà nước "bật chế độ can thiệp" với tỷ giá, giá vàng |
Ngày 24/4, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn khó khăn khi tăng trưởng chậm, nhiều nền kinh tế lớn vẫn duy trì lãi suất ở mức cao và có thể kéo dài hơn dự kiến.
Xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraina và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ, từ đó làm gia tăng chi phí vận tải và các rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực, lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá xăng dầu, vàng, và các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất có biến động khó lường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 tăng 0,31%, tháng 2 tăng 1,04%; tháng 3 giảm 0,23%. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
Quang cảnh cuộc họp. |
Về lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của lạm phát tổng thể bình quân (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Dự báo diễn biến giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như giá xăng dầu vì còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới, giá một số vật liệu xây dựng như cát có khả năng tăng giá cục bộ tại từng thời điểm do nhu cầu lớn đối với các công trình giao thông trọng điểm và nguồn cung còn hạn chế.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu có thể sớm ổn định và tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu lớn chưa có tín hiệu nới lỏng. Giá vật tư nông nghiệp như phân bón urê có thể tăng do nguồn cung thế giới có thể bị thiếu hụt.
Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nên giúp giảm bớt áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT... góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.
Đặc biệt, với chủ chương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.
Cân nhắc từ các yếu tố trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tại cuộc họp, liên quan đến giá vàng, Phó Thống Phạm Thanh Hà cho biết, đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Theo Phó Thống đốc, gần đây có hiện tượng chênh lệnh giá vàng, chủ yếu là vàng miếng SJC, vàng nhẫn biến động cùng chiều với giá thế giới.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, đốc Ngân hàng Nhà nước đã xử lý chênh lệch giá này, do không phải là mặt hàng bình ổn nên chủ yếu xử lý chênh lệch giá. Trong thời gian tới, đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo sát thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch vàng miếng SJC so với giá thế giới.
Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái. |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá công tác quản lý, điều hành giá trong quý I/2024 tuy gặp nhiều áp lực, tiếp tục chịu nhiều thách thức do những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều đan xen từ bối cảnh thế giới và khu vực nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong quý II và những tháng còn lại của năm 2024, áp lực rất lớn, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế, qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
“Trong thời gian tới, giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua... đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, trung thực, thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân.
"Tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của Nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.