Phạt lao động công ích: Người trẻ sẽ ý thức hơn
Đăng tin "nhảm" về việc kết hôn sau 30 tuổi bị phạt tiền để "câu like" Phải có chính sách bồi dưỡng, phát huy trách nhiệm, thế mạnh của thanh niên Cần xác định thanh niên không phải nhóm "yếu thế" |
Mới đây, thảo luận tại hội trường về luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định hình thức phạt lao động công ích vào dự thảo luật. Theo đại biểu, hình thức xử phạt này đã được quy định trong Nghị định 143 năm 1977 và Pháp lệnh 15 Quốc hội khóa X năm 1999 về lao động công ích.
Nhiều bạn trẻ đồng tình
Trần Bảo Trâm (30 tuổi, ngụ đường số 51, P.An Phú, Q.2, TP.HCM) chia sẻ đề xuất này nên đưa vào luật cụ thể. Khi đó sẽ tạo những điểm tích cực như sẽ giúp thanh niên ý thức hơn về giá trị lao động, có cơ hội trải nghiệm, chuộc lỗi khi làm sai.
“Tuy nhiên đề xuất này nên dành cho tất cả người dân có sức khỏe, còn khả năng lao động, không nên chỉ dành cho tuổi thanh niên”, Bảo Trâm cho hay.
|
Lê Quốc Sung (30 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ đường Nguyễn Thái Học, TP.Quy Nhơn, Bình Định), cho rằng đề xuất này rất hay. Một mặt người trẻ có cơ hội nhìn lại bản thân, ý thức được việc mình vi phạm để sửa đổi. Mặt khác, lao động công ích làm cho những nơi công cộng được sạch đẹp hơn.
Cho rằng phạt lao động công ích không mới trên thế giới, nhất là các nước phát triển, Võ Văn Đạt (32 tuổi, nhân viên IT, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) nêu ý kiến khi áp dụng cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ các nước đã triển khai. Điều cơ bản là mọi công dân phải công bằng trước pháp luật.
Theo Đạt nên có 2 phương án xử phạt. Một là phạt tiền cao, gấp 5 - 10 lần mức tiền phạt hiện hành; hai là phạt tiền ở mức thấp kết hợp lao động công ích.
Đạt nói thêm: “Hai phương án trên cần được xử lý linh động, nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe trước pháp luật...”.
Đề xuất hay, cần sớm triển khai
Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Công ty TNHH Luật sư riêng), chia sẻ về nguyên tắc, để đảm bảo cơ chế xử phạt được công bằng, đi vào hiện thực, chúng ta cần phân hóa đối tượng và hình thức đi cùng. Trong vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với thanh thiếu niên cũng vậy. Riêng đối với người trẻ, chúng ta cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, để họ nghiêm chỉnh chấp hành. Chỉ có việc giáo dục, tuyên truyền mới giải quyết gần như dứt điểm các vi phạm.
Luật sư Phát nói thêm, không nên nâng tiền phạt, bởi nó không khả thi, vì rất nhiều thanh thiếu niên sẽ không có tài sản để thi hành quyết định. Việc áp dụng cơ chế xử phạt bằng hình thức lao động công ích là một đề xuất hay cần sớm triển khai. Bởi bản chất của việc này là đánh vào danh dự của người vi phạm, nó sẽ khiến cho các bạn trẻ cảm thấy ngại với những người xung quanh, khi phải công khai việc lao động công ích...
“Thực tế của việc thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, chứ không phải chỉ lỏng lẻo đối với thành phần thanh thiếu niên. Ví như việc xử phạt xe máy vi phạm giao thông, khi chúng ta không quản lý được việc sang tên xe khi mua bán xe, thì việc xử phạt sẽ không thể thực hiện được”, luật sư Phát lấy ví dụ.