Phát huy vai trò ngừa tội phạm
Công an quận Tây Hồ đấu tranh với tội phạm về kinh tế, môi trường Khen thưởng công an về thành tích trong phòng, chống tội phạm Nhiều nạn nhân "sập bẫy" mất tiền tỷ bởi tội phạm lừa đảo công nghệ cao |
Mạng lưới rộng khắp
Với 800 trang, nhóm mạng xã hội do Công đoàn cấp quận/huyện, khu công nghiệp quản lý; trên 19.000 trang, nhóm mạng xã hội do Công đoàn cơ sở quản lý, tổ chức Công đoàn đã tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mại dâm, ma túy, mua bán người, “tín dụng đen”; nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, cách nhận diện các hình thức giăng “bẫy” lãi suất cao khi vay tiền từ các ứng dụng trên mạng xã hội hoặc các nhóm cho vay nặng lãi. Đặc biệt trong chương trình này, công nhân được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về cách tiếp cận các nguồn tài chính an toàn có sự đồng hành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội) trong tình hình hiện nay.
Người lao động được cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng chống tội phạm |
Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động năm 2023; phối hợp với Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; kế hoạch về tăng cường phòng, chống tội phạm, ma túy cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2023; một số giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân lao động; tổ chức tọa đàm về phòng, chống tệ nạn xã hội…
Các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chủ động phòng ngừa trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, hành vi lừa đảo, lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản… ảnh hưởng đến đời sống cán bộ đoàn viên, công nhân lao động.
Đồng hành cùng đoàn viên, người lao động
Lợi dụng hậu quả của đại dịch COVID-19, đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân cả nước gặp khó khăn về tài chính, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn…
Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới rất nhiều hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao...). Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn sẵn sàng dùng thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa nhằm gây sức ép, đòi nợ đoàn viên, người lao động… khiến cuộc sống của họ bị đe dọa.
Trước thực trạng đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2023; tổ chức hội thảo “Giải pháp phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” nhằm phát huy hiệu quả mô hình hoạt động tài chính vi mô (quỹ CEP) của tổ chức Công đoàn trong phòng chống “tín dụng đen”.
Đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc phổ biến các chính sách, pháp luật tới người lao động |
Hình thức, biện pháp tuyên truyền được chú trọng và phát huy tốt vai trò hiện nay là các phương tiện truyền thông tại cơ sở, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Ở những Công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động, những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, Công đoàn còn phối hợp tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.
Thực tế, nhiều mô hình phòng chống “tín dụng đen” đã được các tổ chức công đoàn phát huy hiệu quả. Ví dụ như các mô hình của Công đoàn TP HCM, Công đoàn Bến Tre…
Trong 6 tháng cuối năm, các cấp Công đoàn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua mạng internet, mạng xã hội, Zalo, Facebook truyền thông trực tiếp có tính tương tác cao tại khu công nghiệp, nhà trọ công nhân; tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên các nền tảng số của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn còn tăng cường hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, chủ động; kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người lao động về chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với đoàn viên, người lao động.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn đẩy mạnh nâng cao chất lượng chăm lo phúc lợi, lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn; nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất...