Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt
Hà Nội phát động thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới kinh tế số, xã hội số Người dân Hà Nội hưởng ứng thanh toán không dùng tiền mặt |
Ngày 21/5, Báo Lao động phối hợp cùng với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện là những chủ trương, chính sách lớn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Theo số liệu thống kê, trong quý I/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu tại hội thảo. |
Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.
Theo xu hướng đó, thẻ tín dụng vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ để người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng.
Đặc biệt, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm tiện ích, an toàn bảo mật, hiệu quả chi phí nhắm đến phân khúc khách hàng thu nhập trung bình khá, góp phần phổ cập tài chính, hạn chế tín dụng đen.
Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.
Với những lý do tích cực như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.
Quang cảnh hội thảo. |
Tính đến tháng 3/2024, Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu dân đã có trên 904,7 nghìn thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).
Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, với thủ tục phát hành thẻ tín dụng nội địa đơn giản và điều kiện ràng buộc gần như không có, là điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng.
Hiện NAPAS đang triển khai các giải pháp công nghệ mới cho phép khách hàng thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động; số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị di động; biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán giúp khách hàng tiếp cận thẻ tín dụng một cách dễ dàng, chi phí hợp lý hơn.
Ông Đàm Thế Thái - Giám đốc Trung tâm thẻ, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết, số lượng thẻ phát hành lũy kế của nhà băng này tính đến nay tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng giao dịch bán lẻ tăng 39% và doanh số giao dịch bán lẻ tăng tới 72%.
Thêm vào đó, HDBank cũng thành công trong triển khai giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt khi hợp tác với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) về triển khai dịch vụ thanh toán không tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
Ông Thái cho biết thêm, HDBank đã thực hiện triển khai lắp đặt 5.300 máy POS cho 2.718 cửa hàng xăng dầu Petrolimex, đặc biệt phát triển siêu thẻ 4 trong 1 - chiếc thẻ đầu tiên tại Châu Á Thái Bình Dương được tích hợp cùng lúc: Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh và Petrolimex ID (tài khoản khách hàng thân thiết của Petrolimex) - đánh dấu bước đột phá về công nghệ và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng của HDBank trong khu vực.
Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ VietinBank. |
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ cho biết, ngân hàng luôn cố gắng tiếp cận khách hàng, tư vấn sản phẩm và mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất, thông qua việc: Triển khai các ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ thẻ; áp dụng chính sách hoàn tiền cho các giao dịch mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử trong nước; hợp tác với các đối tác lớn như các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch… để cung cấp các chương trình khuyến mại, chiết khấu đến khách hàng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa; xây dựng và vận hành hệ thống điểm thưởng phục vụ tích lũy điểm khi khách hàng chi tiêu thẻ để đổi quà hoặc nhận các ưu đãi dịch vụ hấp dẫn...
Mặc dù vậy, theo ông Pháp, hiện vẫn còn một số cản trở nhất định đối với việc phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Theo ông Pháp, hiện nay chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa, nên chưa thực sự có bước chuyển mình trong công tác truyền thông, quảng cáo về dòng thẻ này đến với số đông người dân. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Đồng thời, thẻ tín dụng nội địa khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn.
Bên cạnh đó, do thói quen người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến, cũng như chưa hiểu rõ về thẻ tín dụng nội địa, hay các loại thẻ tích hợp trong cùng một chip…
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, năm 2023, NCSC ghi nhận gần 17.400 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến từ người dùng Internet trong năm 2023; riêng quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận hơn 4.100 phản ánh, trong đó hơn 60% người dùng truy cập từ điện thoại cá nhân khi bị lừa đảo trực tuyến, việc truy hồi dòng tiền khi đã chuyển tiền ra ngoài là rất phức tạp.
Ông Sơn cho rằng, các ngân hàng cần đặc biệt lưu tâm cải tiến về về mặt công nghệ để có thể tự giảm thiểu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt, khi mà hiện nay chưa có quỹ xử lý rủi ro mà các giao dịch này gây ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng kết luận hội thảo. |
Kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định để dần hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách phù hợp, liên quan đến hoạt động thanh toán, bao gồm: Trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD; nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; các thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán, hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các quy định về mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip…), tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai nhiều thông tư hướng dẫn kịp cho Nghị định 52 mới đây của Chính phủ, trong đó có quy định về việc mở tài khoản bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, trường hợp khách hàng không thể xác thực thông tin cần phải làm thủ tục trực tiếp tại quầy giao dịch.
Thêm vào đó, từ ngày 1/7/2024, đối với những giao dịch thanh toán, chuyển khoản từ 10 triệu đồng trở lên, khách hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học.
Phó Thống đốc cho biết, hiện nay hạ tầng công nghệ của các tổ chức tín dụng đã được nâng cấp để đảm bảo việc hiện thực hóa các quy định trên, cho phép thực hiện sinh trắc học chỉ trong 1-2 giây, đảm bảo lợi ích về độ an toàn và tiết kiệm thời gian cho người sử dụng, ngăn chặn vấn nạn sử dụng giấy tờ giả, vấn nạn thuê, mượn tài khoản.
Đối với công tác truyền thông, Phó Thống đốc mong muốn và đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước trong việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ tín dụng.
Phó Thống đốc chia sẻ, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2017 Việt Nam chỉ có 31% người trường thành có tài khoản ngân hàng, hiện nay đã tăng đến hơn 80%; đây là nền tảng cơ bản để phát triển tiếp các hoạt động ngân hàng như hiện nay, mà một mình ngành ngân hàng sẽ khó có thể làm được nếu và đạt nhiều kết quả tích cực nếu không có sự hỗ trợ về công tác truyền thông đến từ các cơ quan nhà nước, các đơn vị ngoài ngành.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt các công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa; triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP; dần hoàn thiện và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nghị định này, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Phó Thống đốc cho biết, về cơ bản, các hoạt động chủ chốt của ngành ngân hàng như thanh toán, cho vay, huy động đều đã có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, đã xây dựng, triển khai xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, tổ chức các hội thảo về chuyển đổi số, giải pháp tích hợp hạ tầng công nghệ,... với mục tiêu hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức tín dụng trong vấn đề an ninh thông tin, an toàn tài sản.
Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần đặc biệt lưu tâm, nghiên cứu các quy định để đảm bảo an toàn bảo mật cho hoạt động thanh toán, đặc biệt là Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, để phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử, khi vấn đề an ninh, an toàn bảo mật là một vấn đề hết sức quan trọng của ngành, trong bối cảnh gia tăng các hình thức lừa đảo phức tạp, khó kiểm soát và chủ yếu xuất hiện trên môi trường mạng như hiện nay.