Phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA tại Bắc Giang
Dự án được Chính phủ Việt Nam ký kết với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại 3 đô thị gồm: Thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Là một trong ba trọng điểm trong tổng dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thành phố Bắc Giang được đầu tư 40.541.000USD (tương đương 887.442.490.000 đồng), thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 2020.
Tỉnh Bắc Giang xác định đây là nguồn lực lớn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường tại đô thị, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của tỉnh. |
Với tầm quan trọng và tính chất một dự án đầu tư quốc tế, tại Bắc Giang, dự án đã được tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh cũng như Ban quản lý dự án hết sức chú trọng. Trong đó tập chung đầu tưcác hạng mục thu gom và xử lý nước thải; thoát nước và đường giao thông đô thị.
Cụ thể có 5 gói thầu xây lắp trọng điểm gồm: Xây dựng tuyến đường Trần Quang Khải và Đường vành đai Đồng Bắc với chiều dài 3,2Km và 01 cầu vượt sông Thương với chiều dài 364,8m.Cải tạo điều kiện thoát nước và vệ sinh môi trường, xây dựng trạm bơm Văn Sơn và Châu Xuyên 2 để tăng cường năng lực tiêu thoát nước cho thành phố Bắc Giang và chống ngập lụt.
Đầu tư xây dựng, cải tạo một số hạng mục nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và tăng cường năng lực thoát nước của mạng lưới thoát nước hiện trạng. Đầu tư nạo vét, kè hồ và xây dựng hệ thống thu gom nước thải, xây dựng tuyến cống, giếng tách nhằm thu gom và xử lý được triệt để toàn bộ nước thải của thành phố cũng như nâng cao được điều kiện vệ sinh môi trường và tránh ô nhiễm nước của Sông Thương.
Nguồn vốn ODA đã giúp nâng cao được điều kiện vệ sinh môi trường và tránh ô nhiễm nước của Sông Thương tại Bắc Giang |
Đầu tư nâng công suất của trạm xử lý nước thải hiện tại từ 10.000 m3/ngày lên 20.000 m3/ngày đêm để bảo đảm nhu cầu thu gom và xử lý nước thải cho thành phố Bắc Giang đến năm 2030.
Ngoài ra, dự án còn có các gói thầu giúp cho các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan có thể tận dụng và vận hành dự án một cách hiệu quả nhất.
Hiện tại, hầu hết các gói thầu đều đáp ứng được tiến độ đề ra cũng như quy trình kiểm định chất lượng của dự án. Qua công tác lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư dự án, trực tiếp là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 02 thành phố Bắc Giang đã tiết giảm được gần 200 tỷ đồng cho toàn dự án.
Hiện nay các gói thầu đầu tư xây dựng mới trạm bơm Văn Sơn, trạm bơm Châu Xuyên 2 và nạo vét, khơi thông dòng chảy ngòi tiêu Văn Sơn hiện nay nhiều hạng mục chính trong gói thầu này vượt tiến độ 12 tháng.
Gói thầu cải tạo ba hồ điều hòa là Sóc Trăng, Nhà Dầu, Bánh Kẹo với quy mô nạo vét bùn, kè mái taluy, xây dựng rãnh gom nước thải quanh hồ, hệ thống tuyến cống đấu nối với hệ thống nước thải hiện trạng và hệ thống giếng tách. Hiện gói thầu đã hoàn thành trên 90% khối lượng đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Để có được tỷ lệ tiết kiệm đáng ghi nhận như vậy, yếu tố then chốt chính là việc triển khai xây dựng dự toán và tổ chức đấu thầu được chủ đầu tư thực hiện minh bạch, công khai tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, bình đẳng giữa các đơn vị có năng lực thi công xây lắp.
Mô hình trạm nước thải TP Bắc Giang |
Qua công tác thanh kiểm tra của nhiều bộ ngành liên quan, các gói thầu của dự án đều được đánh giá cao trong công tác dự toán gói thầu, được thực hiện đúng quy trình, trải qua sự thẩm định nghiêm túc của nhiều cơ quan chuyên môn. Nhất là các gói thầu đều đạt các tiêu chí của nhà tài trợ vốn là Ngân hàng phát triển Châu Á và kết quả lựa chọn nhà thầu được đơn vị này phê duyệt.
Ngoài các gói thầu về xây lắp, các gói thầu về về dịch vụ tư vấn cũng được Ban quản lý dự án bảo đảm tuân thủ các chính sách của Ngân hàng ADB gồm các yêu cầu vận hành, giám sát an toàn môi trường và xã hội cũng như tính phù hợp của dự án.
Với sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND thành phố Bắc Giang, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng số 02 thành phố Bắc Giang đang thực hiện tốt công tác quản lý dự án, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của nhà tài trợ.
Kết quả giám sát cho thấy dự án đảm bảo hoàn toàn tuân thủ các hoạt động về tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho người bị ảnh hưởng, tăng cường năng lực cho đơn vị quản lý đầu tư công và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hoạt động của dự án, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Nhờ sử dụng hiểu quả nguồn vốn ODA mà diện mạo của TP Bắc Giang ngày càng thay đổi rõ rệt |
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực hiện dự án ODA của thành phố Bắc Giang, ông Nông Bằng Sơm, Phó Giám đốc Ban quan lý dự án đầu tư xây dựng số 02 thành phố Bắc Giang cho biết, yếu tố hàng đầu để dự án đạt hiệu quả cao là việc xây dựng dự án cần được công khai, minh bạch và tuân thủ nghiêm quy trình do nhà nước, nhà tài trợ vốn quy định.
Dự án ODA có thế mạnh là nguồn vốn dồi dào, khả năng giải ngân nhanh, không có nợ đọng. Chính vì thế, đã giúp các nhà thầu thi công xây lắp tiết giảm được nhiều chi phí trong triển khai hạng mục và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu.
Đồng thời trong quá trình thi công Ban quản lý dự án thường xuyên bám nắm công trường, giao ban tại công trường hàng tuần để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của hà thầu nhằm bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Với quy trình quản lý, đấu thầu và giám sát dự án mang tính khoa học, minh bạch, đúng quy địn, dự án Phát triển đô thị hành lang tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần 2tại thành phố Bắc Giang đã và đang cho thấy hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài, tạo nên một đô thị vệ tinh phát triển mạnh mẽ tại miền bắc. Dự án sẽ sớm được đưa dự án vào khai thác hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.