Phá đường dây làm giả thẻ ngành công an, nhà báo
Vừa qua, Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đang tạm giữ Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Tấn Linh, Phạm Văn Đoàn để điều tra hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Những người này tuổi từ 26 tới 31, quê nhiều địa phương nhưng cùng ngụ ở TP.HCM, đã câu kết thành một đường dây chuyên cung cấp các loại giấy tờ giả cho người có nhu cầu khắp cả nước.
Lộ đường dây từ giấy kết hôn giả
Vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Q đến UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê đăng ký làm giấy khai sinh cho con. Sau khi kiểm tra hồ sơ, cán bộ tư pháp nghi ngờ giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu là giả.
Khi làm việc với công an, ông Q khai sống như vợ chồng và có con chung với một phụ nữ. Vì phải có chứng nhận kết hôn thì đứa trẻ mới được khai sinh theo họ mình, ông Q đã lên mạng xã hội nhờ một tài khoản Zalo có tên Phạm Thúy làm giấy chứng nhận kết hôn giả với giá 3 triệu đồng, sổ hộ khẩu giả giá 3,5 triệu đồng. 10 ngày sau, ông này nhận gói hàng được ghi là tranh thêu nhưng thực chất là các giấy tờ như yêu cầu.
Theo Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng Công an quận Thanh Khê, từ manh mối trên, công an nhận định đường dây làm giấy tờ giả rất quy mô này gây nhiều hệ lụy cho xã hội nên lập chuyên án đấu tranh. Sau khi xác minh nhóm tội phạm này đều ở TP HCM, một tổ trinh sát lập tức lên đường phá án.
“Những kẻ làm giả giấy tờ rất ranh mãnh, chỉ rao qua mạng xã hội để tìm kiếm người có nhu cầu. Sau đó, họ giao hàng qua công ty giao hàng, nhờ thu tiền hộ và không bao giờ lộ mặt nên việc phá án rất khó khăn” - Thượng tá Tám nói.
Từ trái qua: Phạm Văn Đoàn, Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Tấn Linh cùng tang vật công an thu giữ. Ảnh: HẢI HIẾU |
Dùng giấy CMND giả đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng
Công an xác định từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2020, hai tài khoản mang tên Phạm Thúy và Phương Thúy đã thông qua công ty giao nhận hàng để chuyển hàng trăm bưu phẩm cho các cá nhân trên cả nước. Người sở hữu hai tài khoản này không trực tiếp đến công ty mà chỉ đăng ký một địa điểm công cộng, hẹn nhân viên giao nhận để gửi hàng. Tiền công ty thu hộ từ người mua hàng sẽ chuyển vào một tài khoản trước khi được rút ra bằng thẻ ATM.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã xác định nhân vật đứng sau và sử dụng cả hai tài khoản Phạm Thúy, Phương Thúy chính là Phạm Hoài Thanh.
Sau khi củng cố chứng cứ, chiều 9/6, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Thanh Khê với sự hỗ trợ của Công an quận Bình Tân
(TP HCM) ập vào căn nhà trong con hẻm ở quận Bình Tân bắt khẩn cấp Thanh. Qua khám xét, công an thu giữ 29 giấy tờ bản gốc và 54 bản sao y đều là giả. Những giấy tờ giả này gồm bằng tốt nghiệp đại học, CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ ngành CAND…
Đặc biệt, công an phát hiện có bốn thẻ ATM mang nhiều tên khác nhau của các ngân hàng. Các thẻ ATM này đều được Thanh làm giấy CMND giả rồi đi đăng ký tài khoản ngân hàng.
Tiếp tục khai thác, công an bắt giữ thêm Nguyễn Tấn Linh tại nơi người này sống (phường 15, quận Bình Tân). Qua đấu tranh, công an xác định Linh là mắt xích quan trọng, chuyên lấy sỉ các loại giấy tờ từ Phạm Văn Đoàn nên đã bắt giữ Đoàn. Tại nơi Đoàn sống (phường An Phú Đông, quận 12), 41 con dấu tròn của các cơ quan, tổ chức, 240 giấy tờ giả các loại, trong đó có một thẻ nhà báo được phát hiện.
Tại công an, Thanh và Linh khai nhận là bạn thân học chung từ nhỏ. Cả hai vào TP HCM làm nghề giao hàng. Linh phát hiện Đoàn chuyên bán các giấy tờ giả và có thu nhập cao nên xin tham gia làm chân rết.
Thanh và Linh sau đó lập các tài khoản trên mạng xã hội để rao bán giấy tờ giả. Ngoài ra, cả hai còn tìm kiếm các chân rết phía dưới để bán với giá sỉ, kiếm chênh lệch… Điều tra bước đầu, nhóm Đoàn, Linh, Thanh đã bán nhiều loại giấy tờ giả và thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Từ vụ án trên, Công an quận Thanh Khê đề nghị người dân cảnh giác khi giao dịch mua bán đất vì có thể gặp sổ đỏ giả. Công an cũng khuyến cáo người dân đề phòng với những nhóm tội phạm dùng lệnh, giấy triệu tập giả để lừa đảo qua mạng; giả danh cán bộ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng… |