Peru, Colombia đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực Amazon
Hậu quả nếu rừng mưa Amazon bị phá hủy hoàn toàn Amazon từ rừng xanh tốt đến khung cảnh 'nhìn đâu cũng chết chóc' |
Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng Amazon tại Candeias do Jamari, gần Porto Velho, bang Rondonia, đông bắc Brazil ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Peru và Colombia ngày 27/8 đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Amazon với sự tham gia của lãnh đạo các nước trong khu vực nhằm điều phối chiến lược bảo vệ vùng rừng mưa khổng lồ này đang bị hủy hoại do các vụ cháy rừng.
Rừng Amazon được biết tới như lá phổi của hành tinh, tuy nhiên vùng rừng này đang gánh chịu các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, gây sự lo lắng trên toàn cầu.
Tổng thống Peru Martin Vizcarra và người đồng cấp Colombia Ivan Duque đã kêu gọi tổ chức hội nghị khẩn cấp của khu vực vào ngày 6/9 tới tại Colombia để cùng phối hợp bảo vệ vùng rừng Amazon.
Tuyên bố trên được đưa ra bên lề cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo ở Pucallpa, miền Bắc Peru.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Hai Tổng thống nhận rõ sự cần thiết phải cùng phối hợp hành động vì lợi ích của bảo vệ và sử dụng bền vững khu vực Amazon, một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên hành tinh."
Mục đích cuộc gặp thượng đỉnh trên là thiết lập một hiệp ước về bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng Amazon vì lợi ích của các cộng đồng đang sinh sống tại đây.
Hiện chưa rõ các nước nào trong khu vực sẽ được mời tham gia cuộc gặp thượng đỉnh này. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức hội nghị được đề xuất là thành phố Leticia nằm sát biên giới 3 nước Colombia, Peru và Brazil.
Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon đặt trụ sở tại Brasilia hiện có 8 nước thành viên, trong đó bao gồm cả Bolivia, Ecuador, Guyana, Surinam và Venezuela. Các nước này cùng tham gia phát triển vùng châu thổ Amazon.
Rừng mưa Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Được xem là "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí ôxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.