Ông chủ sân golf Long Thành muốn làm casino ở Khánh Hòa là ai?
Chủ sân golf Long Thành muốn làm casino ở Khánh Hòa |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về Báo cáo thẩm định hồ sơ bổ sung mục tiêu kinh doanh casino tại dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise. Đây là dự án do Công ty TNHH KN Cam Ranh, thành viên Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành làm chủ đầu tư.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, đồng thời lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định đối với từng nội dung cần điều chỉnh của Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí HN Paradise, trong đó có việc bổ sung hạng mục kinh doanh casino. Làm rõ dự án có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 ban hành Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh không; nếu có thì phải đáp ứng những điều kiện gì.
Sân Golf Long Thành. |
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu làm rõ việc tuân thủ quy định về khoáng sản; ý kiến thẩm định cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với từng nội dung quy định.
Theo tìm hiểu, KN Paradise là dự án nằm liền kề với sân bay quốc tế Cam Ranh và gần cảng biển quốc tế Cam Ranh với quy mô 800 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 46.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD) đây là dự án đang được triển khai sở hữu quỹ đất lớn nhất tại Khánh Hòa.
Trước đó, Khu đất này vốn liên quan đến quân đội, song từ năm 2005, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng có điều chỉnh ranh giới quốc phòng nên giao lại cho địa phương. Sau khi chủ đầu tư có đơn xin giao đất vào giữa năm 2016, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định giao và cho thuê đất dự án theo mức giá được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông chủ sân golf Long Thành là ai?
Được biết, Công ty TNHH KN Cam Ranh (công ty thành viên của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành - ông Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT) được thành lập đầu năm 2015, với các lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, đầu tư xây dựng, kinh doanh và quản lý sân golf, khách sạn, kinh doanh khu vui chơi giải trí, kinh doanh nhà hàng...
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Lê Văn Kiểm, sinh năm 1945 tại Thừa Thiên Huế, câu chuyện từ một người lính đến doanh nhân thành đạt hôm nay là cả một cuộc hành trình biết bao những gian truân, thăng trầm, buồn vui, mồ hôi và nước mắt… Tìm hiểu về ông, ai cũng biết ông thành công từ các sản phẩm, lĩnh vực như thức ăn chăn nuôi gia súc, rồi ý tưởng đắt giá gắn với tinh dầu hạt cao su, hay các sản phẩm xây dựng, công ty may mặc lớn nhất nước, sân Golf đạt tiêu chuẩn 5 sao… Đến nay, dường như ai cũng biết tới Ông gắn với thương hiệu nổi tiếng: Golf Long Thành là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành. |
Sân Golf Long Thành được thành lập năm 2001, tọa lạc tại khu tam giác kinh tế phía Nam, thuộc ấp Tân Mai, xã Phước Tân, TP Biên Hòa. Sân được bình chọn là sân golf đẹp nhất, tốt nhất ở Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp nhất châu Á. Nơi đây có hệ thống dịch vụ, tiện ích sang trọng, đang phục vụ cho gần 1.000 hội viên, trong đó có hơn 60% hội viên đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan…
Sân Golf Long Thành được thiết kế với diện tích 350ha trên tổng diện tích 1.200ha và được kết nối với các nhánh sông Đồng Nai, Quốc lộ 51 và tuyến đường cao tốc từ TP HCM đến Long Thành. Khí hậu nơi đây rất mát mẻ, trong lành và phong cảnh thiên nhiên hiền hòa. Sân Golf Long Thành là sân Golf đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế trải nghiệm với 18 đường golf Sân Đồi và 18 đường golf Sân Hồ, cùng hệ thống ánh sáng đạt chất lượng quốc tế, phục vụ cho cả người chơi golf ban đêm.
Ông Lê Văn Kiểm được xem là một mẫu hình của giới kinh doanh và nhà hoạt động từ thiện rộng khắp trong nước. Từ năm 1986, ông nổi là “anh cả” của nền kinh tế tư nhân thời đổi mới với những khởi biến kinh nghiệm kinh doanh từ những thập niên 1970 – đầu những năm 1980.
Tên tuổi của ông Lê Văn Kiểm đến nay vẫn còn gắn với công ty may Huy Hoàng, công ty đầu tiên ông thành lập. Và vì những lý do lịch sử, khi nhắc đến ông Kiểm, nhiều người vẫn đem so sách với câu chuyện ông Tăng Minh phụng, doanh nhân bị xử tử hình năm 2003 trong một vụ án sai phạm kinh tế lớn nhất Việt Nam thời kỳ mở cửa mà dư âm và hệ lụy vân còn đến tận hôm nay.
Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra cuối thập niên 1990, tổng công ty Huy Hoàng là một trong những công ty thành công hàng đầu trong lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu. Cũng giống như Minh Phụng, ông Kiểm đã dùng nhiều vốn vay thương mại để đầu tư vào bất động sản, nhóm công ty Huy Hoàng đứng trước khoản nợ tới hạn không có khả năng chi trả hơn 700 tỷ đồng, một con số khổng lồ vào thời điểm đó. Điều khác biệt lớn nhất là ông Kiểm trụ được qua sóng gió, trả hết nợ và tiếp tục sự nghiệp kinh doanh.
Khi đó, ông được xem là người đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực may mặc đã mạnh dạn nhập thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại từ các nước tư bản như Nhật và Ý để đáp ứng dây chuyền sản xuất hàng may mặc cao cấp xuất khẩu sang các nước tư bản và Đông Âu với hình thức kinh doanh trực tiếp theo phương thức giao nhận FOB.
Sau này, với dự án dân Golf Long Thành được thành lập năm 2001 và trở thành thương hiệu của dịch vụ giải trí cao cấp gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân cựu chiến binh này. Hiện tại, ngoài Dự án Sân Golf Long Thành tại Đồng Nai với thiết kế trở thành đô thị 1.200ha, ông có trong tay 10 công ty con, 2 dự án tại Lào, bao gồm 1 dự án thăm dò khai thác vàng, 1 dự án sân Golf tại Viên Chăn với mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Ông còn sở hữu và đầu tư nhiều dự án bất động sản rải rác ở quận 2 (TP HCM), Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu, Đà Lạt.
Ông Kiểm kết hôn với bà Trần Cẩm Nhung, người phụ nữ được miêu tả là giỏi giang, thông minh. Ông có hai người con, trong đó người con trai Lê Huy Hoàng được đào tạo tại Hàn Quốc và tiếp quản các dự án tại Lào và con gái Lê Nữ Thùy Dương du học Úc đang giúp ông điều hành 10 công ty trong nước.