Nước thải tuôn như thác ra biển, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng nói gì?
Từ năm 2015 đến nay, phía Đông Đà Nẵng có tăng trưởng nóng về dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, hệ thống thu gom và xử lý nước thải ven biển vẫn chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng này. Hiện công suất của hệ thống thu gom và xử lý nước thải vẫn còn thiếu khoảng 2.050 m3/ngày đêm. Riêng khu vực Ngũ Hành Sơn bị quá tải 3.600 m3/ ngày đêm.
Nhiều đơn vị vi phạm hồ sơ về môi trường
Sau đợt kiểm tra tình hình đấu nối, thoát nước, xử lý nước thải của các cơ sở và hộ dân tại khu vực ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn vào tháng 3/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã phát hiện 16/34 cơ sở không có giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước, 16/34 cơ sở không có lắp đặt bể tách mỡ và 16/34 cơ sở không có giấy phép thoát nước mưa.
Cơ quan chức năng phát hiện 16 cơ sở không có giấy phép xây dựng (9 khách sạn và 7 nhà hàng); 34 cơ sở (15 khách sạn và 19 nhà hàng) không có giấy phép đấu nối xả thải. Phần lớn nhà hàng có giấy phép xây dựng là nhà ở, biệt thự. Ước tính tổng lượng nước sử dụng và lượng nước thải phát sinh từ nhóm kiểm tra là khoảng 20.668 m3/ tháng.
Sau cơn mưa, nước thải tuôn ra biển như thác |
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, chỉ tính riêng đoạn từ Mỹ Khê (quận Sơn Trà) đến Khu nghỉ dưỡng Furama (quận Ngũ Hành Sơn), có đến 440 cơ sở lưu trú (với với tổng số phòng ước tính là 18.600) và 250 nhà hàng ở các trục đường chính, trong đó có 61 cơ sở quy mô lớn có khoảng 10.552 phòng và căn hộ, chiếm đến 57%.
Bên cạnh mặt tích cực của tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng hệ lụy đến môi trường là khó tránh khỏi, khi hạ tầng kỹ thuật môi trường, cấp thoát nước và giao thông lại không theo kịp. Từ tháng 4/2018 đến nay, chính quyền TP Đà Nẵng đã vào cuộc xử lý 200 sự cố nước thải tràn ra biển, gây ô nhiễm nặng.
Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, hiện trạng hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải cũng như các chính sách liên quan đang bất cập khiến nước thải chưa được xử lý trước khi chảy ra biển.
“Về nguyên tắc, một đô thị phải hoàn tất hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị cho đầu tư. Hệ thống thoát nước ở Đà Nẵng chủ yếu là thoát nước chung. Tại lưu vực Ngũ Hành Sơn, tổng số trạm bơm hiện nay là 3 trạm đang hoạt động hết công suất. Qua theo dõi tình trạng bơm từ tháng 1 - 3/2019, lưu lượng trung bình ở mức 23.761 m3/ngày đêm, quá công suất xử lý của trạm” - ông Hùng cho hay.
Hạ tầng kỹ thuật môi trường, cấp thoát nước và giao thông không theo kịp tốc độ phát triển |
Theo ông Hùng, Sở Xây dựng đã nhận định hệ thống thu gom và xử lý nước thải hiện nay không đáp ứng với tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ ở khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.
“Hiện nay, Trạm Xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn chưa được cấp phép xả thải, do vậy các doanh nghiệp xả thải vào hệ thống phải được cấp phép. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của thành phố. Ngoài ra, còn bất cập trong áp dụng QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt áp dụng cho cơ sở khi xả thải vào hệ thống. Đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể và chính sách khuyến khích tái sử dụng nước thải”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Bắt buộc lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải
Trước tình trạng nước thải tiếp tục chảy tràn ra biển, gây ô nhiễm nặng như hiện nay, ông Tô Văn Hùng cho biết ngoài việc xử lý vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thực hiện các quy định về vận hành hệ thống xử lý nước thải. Yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải (đối với hệ thống công suất dưới 30 m3/ngày).
Giải pháp nào cho Đà Nẵng về thu gom và xử lý nước thải hiện nay? |
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước xử lý nước thải hướng dẫn về thủ tục đấu nối nước thải, đấu nối tạm thời cho các dự án đang thi công trên tuyến đường từ 10 m trở lên; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình các đơn vị triển khai xây dựng đấu nối vào hệ thống.
Ông Tô Văn Hùng khẳng định, đối với các dự án đang xây dựng, đề nghị có biện pháp giám sát chặt chẽ sau khi cho phép đấu nối tạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nghiên cứu quy định cụ thể ban hành hướng dẫn quy định về đấu nối nước thải phải cụ thể về vị trí, biển báo, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng, thiết kế hố ga đấu nối bên ngoài tường rào để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát.
“Đối với các tồn tại, vi phạm đã xác định, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xem xét xử lý vi phạm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục các tồn tại”, ông Hùng nói.