Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng

Không chỉ là giảng viên dạy giỏi, chị Nguyễn Hoàng Thảo (39 tuổi, sống tại London, Anh Quốc) còn được biết đến là nữ giảng viên nổi bật với nhiều dự án bảo vệ môi trường, lan tỏa lối “sống xanh” đến mọi người xung quanh trong nhiều năm nay.
Khởi động chương trình “Trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” giai đoạn 2022 - 2025 Hà Nội chú trọng đào tạo học sinh có lối sống xanh, bảo vệ môi trường

8 năm theo đuổi hành trình vì một môi trường xanh

Sau khi tốt nghiệp đại học và hoàn thành tấm bằng thạc sĩ, chị Nguyễn Hoàng Thảo đã có nhiều năm giảng dạy tại các trung tâm, trường học ở Nhật Bản và Việt Nam. Hiện tại, nữ giảng viên đang sống tại London, Anh Quốc và công việc chính của chị Thảo là phiên dịch – dịch giả và giảng dạy từ xa.

Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng
Giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo đã có 8 năm theo đuổi hành trình sống xanh

Nhớ lại 8 năm về trước, chị Thảo kể, trong chuyến đi công tác đến một khu tập trung và xử lý rác thải của Hà Nội, lúc này chị mới tận mắt thấy rõ được sự nghiêm trọng mà rác thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của con người như thế nào. Ở nơi đây, do không được xử lý khép kín và không được phân loại rác thải cụ thể nên hầu hết cả núi rác khổng lồ đều được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Trò chuyện cùng người dân xung quanh khu tập trung, chị mới biết họ đều bị ít nhất một bệnh về đường hô hấp và rất nhiều bài báo cũng đã phản ánh về tình trạng sức khỏe của người dân sống quanh khu vực này.

Sau chuyến công tác trở về, chị Thảo tìm hiểu và biết rằng khi đốt túi nylon sẽ tạo ra lượng lớn khí thải có chứa chất độc dioxin, cacbonic, methane - đây đều là những chất độc có thể gây ra ung thư, suy giảm hệ miễn dịch nếu hít phải.

Lúc đó, nữ giảng viên mới thực sự nhận ra rằng, chính việc vô tư sử dụng đồ nhựa dùng một lần của bản thân và những người xung quanh lại là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ đây, giảng viên Hoàng Thảo quyết định thay đổi lối sống của bản thân qua những hành động cụ thể như: Nói không với các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; sử dụng hộp đựng và túi đựng khi đi chợ thay vì sử dụng túi nylon...

Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng
Giảng viên Hoàng Thảo quyết định thay đổi lối sống của bản thân qua những hành động cụ thể như: Nói không với các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Sau khi tự thay đổi lối sống của bản thân, có thêm nhiều kiến thức về "sống xanh", chị Thảo mong muốn truyền thụ và lan tỏa những thông tin hữu ích đến cộng đồng, để ngày càng có nhiều người quan tâm đến lối sống thân thiện này.

Vì vậy, chị Thảo trực tiếp bắt tay sáng lập dự án "Nói không với túi nylon” và xây dựng nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh". Tính đến thời điểm hiện tại, dự án "Nói không với túi nylon” đã thu hút 105.000 người theo dõi; nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh" với 80.000 người tham gia cũng trở thành một cộng đồng sôi động các hoạt động giao thương mua – bán tiêu dùng xanh.

“Tôi nghĩ mọi thứ đều bắt đầu như một cơ duyên, nhưng việc có theo đuổi đến cùng hay không thì là lựa chọn. Từ khi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải nhựa và môi trường, tôi tự cảm thấy mình có động lực để thay đổi các hành vi trong cuộc sống cá nhân và ngày càng làm cho tôi cảm thấy đây là một lối sống tốt cho sức khỏe của bản thân, cộng đồng. Đặc biệt "sống xanh" không quá khó khăn như cách mà tôi đã nghĩ trước đây. Từ những nền tảng đầu tiên, tôi tiếp tục tìm cách để làm cho nó tốt hơn mỗi ngày”, nữ giảng viên bộc bạch.

Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng
Các thành viên của nhóm chị Thảo cùng làm túi để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày thay vì dùng đồ nhựa 1 lần

Theo chia sẻ của chị Thảo, 8 năm theo đuổi lối "sống xanh" chưa phải là hành trình quá dài nhưng nữ giảng viên luôn tin rằng kiến thức tạo ra thay đổi về nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, rồi dần dần hình thành thói quen vô thức trong cuộc sống như tiết kiệm điện, nước, mang theo túi xách đi chợ, bình nước cá nhân mỗi khi ra ngoài…

Chính những đóng góp nhỏ bé của mình, chị Nguyễn Hoàng Thảo đã vinh dự trở thành 1 trong 3 người phụ nữ châu Á truyền cảm hứng về lối "sống xanh". Năm 2019, giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo xuất sắc mang về giải thưởng ASEAN Eco Youth Champion dành cho những cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Nữ giảng viên đam mê xây dựng lối “sống xanh”
Giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo vinh dự nhận giải thưởng ASEAN Eco Youth Champion dành cho những cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Xây dựng cộng đồng “Tiêu dùng xanh - cùng sống lành”

“Sống xanh” không chỉ dừng lại ở một dự án đơn thuần hay một một trào lưu hời hợt "sớm nở tối tàn" mà còn đang được lan tỏa trong cộng đồng. Lối sống thân thiện này khiến cho những người vốn ưa thích sự tiện dụng lại thích thú đón nhận, nhiệt tình hưởng ứng và cũng dần thay đổi những thói quen hàng ngày.

Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Thảo cho biết, trang fanpage “Nói không với túi nylon” được thành lập vào năm 2016. Đây là nơi chị Thảo chia sẻ các thông tin, kiến thức về môi trường nói chung và các vấn đề về rác thải nhựa nói riêng. Cho đến giờ, trang đã đạt được một số thành công nhất định trong việc bền bỉ tạo ra cảm hứng, giúp mọi người trang bị kiến thức để thay đổi hành vi cá nhân của bản thân, cũng như phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp… để thúc đẩy các hoạt động xanh hóa nội bộ hay thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường với cộng đồng.

"Lối 'Sống xanh' đã đi vào hành động của mọi người bằng những việc làm thiết thực như: Tái chế nhựa thành đồ dùng học tập phục vụ cho mầm non; sử dụng khẩu trang vải, đeo túi vải; các bạn học sinh, sinh viên lựa chọn mang theo bên mình những chiếc bình cá nhân, ống hút kim loại, ống hút tre để sử dụng mọi lúc, mọi nơi thay vì sử dụng các loại chai, cốc nhựa một lần", nữ giảng viên vui vẻ nói.

Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng
Những câu chuyện về lối "sống xanh" được fanpage "Nói không với túi nylon" chia sẻ để tạo sự lan toả trong cộng đồng
Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng

Nhóm "Cộng đồng ẩm thực – Tiêu dùng Xanh" được thành lập vào năm 2020, với mục tiêu làm cây cầu nối giữa những người tiêu dùng có nhu cầu mua và sử dụng các sản phẩm xanh, lành từ các địa phương và những người kinh doanh cần có động lực để thay đổi.

Chị Thảo nói, thay vì việc thu tiền để quảng cáo bán hàng như các nhóm bình thường, nhóm của chị hoàn toàn miễn phí việc đăng bài với điều kiện người kinh doanh phải đảm bảo triệt để các “tiêu chí xanh” của nhóm, điều tạo ra động lực thiết thực cho chính những người bán hàng phải thay đổi.

Đặc biệt, năm 2019 chị Thảo mở cửa hàng Go Eco Hà Nội. 100% doanh thu để hỗ trợ cho những bạn làm tái chế đồ từ rác… Chia sẻ về mô hình kinh doanh này, chị Thảo bày tỏ: “Sau hơn 3 năm bền bỉ chia sẻ các thông tin, kiến thức về môi trường cho cộng đồng, nhận thấy có nhu cầu khá lớn trong việc muốn tìm mua các sản phẩm xanh cho cuộc sống thường ngày, tôi đã dành khá nhiều công sức để thuyết phục các doanh nghiệp hợp tác tạo ra mô hình cửa hàng chuyên bán các sản phẩm xanh, mang tính địa phương, theo mùa, hạn chế việc tạo rác thải ra môi trường, tuy nhiên, hầu hết đều ngần ngại nên đã từ chối”.

Nữ giảng viên 8X lan toả lối “sống xanh” trong cộng đồng
Giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo còn được biết đến là "bà chủ nhỏ" của cửa hàng tiêu dùng xanh tại Hà Nội

Tuy nhiên, với cái tính cứng đầu nên chị Thảo quyết tâm tạo ra mô hình cửa hàng xanh theo đúng nghĩa của nó để làm tiên phong và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Kết quả vào năm 2018, Go Eco Hanoi đã ra đời với mục tiêu như vậy. Tất cả các sản phẩm bày bán trong cửa hàng đều là các sản phẩm có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, thân thiện với môi trường từ nội dung đến bao bì, ít tạo rác. Sau 2 năm hoạt động, nhóm của nữ giảng viên đã tạo được quỹ để trồng cây xanh, thành lập thư viện cộng đồng về môi trường tại chính cửa hàng và ủng hộ cho các nghệ sĩ chuyên tái chế rác thải sinh hoạt.

Chị Thảo cho biết thêm, cũng trong 2 năm đó, đã có nhiều cửa hàng xanh khác xuất hiện theo mô hình tương tự. Lúc này chị Thảo nhận thấy Go Eco Hanoi đã đạt được mục tiêu của nó nên chị quyết định cho ngừng hoạt động và chuyển sang thành lập Nhóm "Cộng đồng Ẩm thực – Tiêu dùng Xanh" để giúp truyền động lực cho nhiều người kinh doanh nhỏ hơn.

"Nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, tôi sẽ hợp tác với một số tổ chức từ thiện có uy tín như 'Ấm – Từ thiện vì người vô gia cư' để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ có 1 cái Tết đầm ấm mà vẫn thật Xanh", nữ giảng viên kết lời.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động