NÓNG: Thái Bình chi 5,8 tỷ đồng để đầu tư, trang bị hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800
Sáng 25/4, trả lời phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc chỉ định mua hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 với giá 5,2 tỉ đồng, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết: “Hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 của Thái Bình mua khác với Hà Nội, của Thái Bình là cả một dàn máy đầy đủ hệ thống đóng và mở chứ không phải riêng máy xét nghiệm. Kinh phí đầu tư máy là 5,2 tỉ đồng và 1.300 bộ test nội có giá trị 600 triệu”
Cũng theo ông Dịu: Mặc dù tại Điều 22 Luật Đấu thầu quy định chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng với một số trường hợp, trong đó có gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách nhưng khi mua thiết bị, tỉnh Thái Bình cũng có hội đồng thẩm định giá, bên cạnh mức giá mà doanh nghiệp được thuê thẩm định đã cung cấp.
Hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 của tỉnh Thái Bình |
Ông Dịu cũng khẳng định Hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 tỉnh Thái Bình đã mua là "hiện đại nhất" được nhập khẩu từ Thụy Sỹ, có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh, chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19.
“Chúng tôi yêu cầu phía nhà cung cấp cam kết bảo hành hệ thống máy thêm 4 năm. Giá trị bảo hành mỗi năm bằng 5% giá trị máy. Nếu tính ra như vậy thì máy chỉ hơn 4 tỉ thôi. ” – Vị lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh Thái Bình cho biết.
Nhân viên Y tế tỉnh Thái Bình đang lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly |
Để có thêm thông tin về đơn vị cung cấp hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 cho tỉnh Thái Bình, phóng viên đã đề nghị cung cấp thông tin về nhà thầu này nhưng ông Dịu cho biết sẽ cung cấp sau.
“Việc này tôi giao cho đồng chí phó giám đốc mà cái này là chúng tôi có cả hội đồng thẩm giá của tỉnh làm chứ không phải mỗi Sở Y Tế. Hệ thống máy của tỉnh Thái Bình sẽ được sử dụng tối đa công dụng cho các xét nghiệm khác không riêng Covid-19 nên sẽ không có sự lãng phí” - ông Dịu nói thêm.
Giải thích về việc trước đó có thông tin UBND tỉnh Thái Bình đã cấp kinh phí hơn 7 tỷ đồng để đầu tư, trang bị hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 (kỹ thuật sinh học phân tử) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình triển khai hoạt động xét nghiệm phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ông Dịu giải thích đó là kế hoạch ban đầu tỉnh duyệt 7,3 tỉ đồng nhưng thực chất đã đàm phán và được giảm giá từ trên 6 tỉ xuống còn 5,8 tỉ đồng, chưa tính các quyền lợi bảo hành"
Được biết, ngày 22/4/2020, sau khi tiếp nhận công dân từ Nhật Bản về Trường Quân sự tỉnh Thái Bình, y tế địa phương đã chủ động lấy mẫu sàng lọc bằng hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800.
Nhờ hệ thống này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã phát hiện sớm 2 ca nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và gửi ngay mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để khẳng định lại.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.
Để bảo đảm đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm đang có nguồn cung hạn chế và giá thành cao.
Thái Bình: Chi 5,8 tỷ đồng để đầu tư, trang bị hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động Cobas 4800 |
Trong khi đó, ở Quảng Nam, từ ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) đã đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Theo tìm hiểu, Quảng Nam mua máy này giá... 7,2 tỷ đồng.
Ngày 24/4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí: “Việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu với giá 7,2 tỷ đồng trang bị cho CDC Quảng Nam là UBND tỉnh quyết định. Thủ tục đường hoàng chứ không phải Sở Y tế tự mua. Đúng sai thế nào thì sẽ được làm rõ”.
Đề cập đến vấn đề trên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin ngắn gọn là đang yêu cầu Sở Y tế làm báo cáo.
Ngày 24/4, sau khi có liên tiếp các vụ "lùm xùm" về giá thiết bị xét nghiệm, một lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến cáo các tỉnh thành mua thiết bị cần tham khảo giá rộng rãi và nên mua trực tiếp của nhà nhập khẩu hoặc đơn vị phân phối trực tiếp, không mua qua các công ty trung gian, tránh bị đẩy giá cao do các công ty mua bán lòng vòng nâng giá.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh việc mua sắm Hệ thống xét nghiệm Real - time PCR tự động. Theo điều tra, hệ thống máy xét nghiệm Real - time PCR dùng để phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi "qua tay" các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối, CDC TP Hà Nội đã mua hệ thống này với giá 7 tỷ đồng, tức gấp 3 lần so với giá nhập khẩu. |