“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội

Chiều ngày 6/4/2023, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Nơi tôi đến” nhằm lan tỏa thông điệp về không gian công cộng cho mọi người, trong đó có nữ lao động di cư ở Hà Nội.
Triển lãm nguồn tài nguyên dược liệu và mô hình vườn cây thuốc Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức với tình yêu Hà Nội Triển lãm ảnh "Hà Nội 1967 - 1975"

Tham dự sự kiện có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế; các đại sứ quán tại Việt Nam; bảo tàng và di tích trên địa bàn Hà Nội; đại diện nữ lao động di cư...

“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội
Các đại biểu cắt băng khai mạc

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dù tỷ trọng nam giới trong lực lượng lao động ở nước ta cao hơn so với nữ giới nhưng tỷ trọng nữ giới trong lực lượng lao động di cư lại cao hơn (53,4% so 46,6%). Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã mà cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là người nhập cư.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: “Rõ ràng phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu về tăng thu nhập, cải thiện kinh tế, họ mong muốn được cải thiện môi trường sống, trong đó có các không gian công cộng”.

“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội
Triển lãm "Nơi tôi đến" thu hút nhiều khách tham quan

Tham dự triển lãm, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil bày tỏ niềm tự hào khi Chính phủ Canada từ lâu đã đứng đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Canada, ở các nước khác và với các đối tác tại Việt Nam.

Theo Đại sứ, Chính phủ Canada và Đại sứ quán Canada vui mừng hỗ trợ các sáng kiến bao gồm các nghiên cứu, hợp tác bởi các đối tác từ Canada và Việt Nam để nâng cao hiểu biết và thúc đẩy các quyền con người.

Đại sứ Shawn Steil khẳng định sáng kiến như TrySpace để đưa các thành phố của Việt Nam trở nên đáng sống hơn, hòa hợp hơn và thân thiện hơn cho tất cả mọi người, bao gồm cả những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương và dễ bị gạt ra ngoài xã hội như những lao động di cư hay phụ nữ trẻ tuổi.

“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội

Ông cũng gửi lời chúc mừng tới toàn bộ đội ngũ các nhà nghiên cứu, các cá nhân, sinh viên, các tổ chức đã hỗ trợ cho dự án và buổi triển lãm này.

Triển lãm “Nơi tôi đến” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện nghiên cứu với nhóm nữ lao động di cư tại địa bàn Hà Nội.

Để thực hiện triển lãm, nhóm nội dung đã gặp gỡ, phỏng vấn 20 nữ lao động di cư từ 16-34 tuổi với đa dạng ngành nghề: từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát, bán hàng rong... Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau như Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Triển lãm gồm ba chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đã đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải toả những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước “Nơi ấy có tôi”.

“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội

Trong khuôn khổ khai mạc triển lãm có tổ chức giao lưu với các khách mời xoay quanh tầm quan trọng của không gian công cộng đối với những nữ lao động di cư cùng những hành động thiết thực mà các tổ chức, các nhóm cộng đồng đã làm để nâng cao chất lượng sống cho nhóm phụ nữ này.

“Nơi tôi đến” - Triển lãm về nữ lao động di cư tại Hà Nội
Triển lãm có tổ chức giao lưu với các khách mời xoay quanh tầm quan trọng của không gian công cộng đối với những nữ lao động di cư

Triển lãm mở cửa giới thiệu tới công chúng tham quan từ ngày 6/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo Phương
Phiên bản di động