Nợ công vẫn tăng, cảnh báo áp lực trả nợ ngày càng cao

Dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng: ‘Nợ công 58,4% vẫn còn cao’

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5 đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo Tờ trình của Chính phủ, quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 là 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Trong đó ngân sách địa phương tăng thu 78.099.136 triệu đồng, ngân sách trung ương tăng thu (gồm cả tăng thu từ nguồn viện trợ) 34.362.921 triệu đồng. Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội tháng 5/2019 để phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2018.

Trong đó, thu nội địa (không bao gồm dầu thô) tăng 5,1% so với dự toán. Thu từ dầu thô tăng 84% (30.140.458 triệu đồng), chủ yếu do giá thanh toán tăng gần 50% và sản lượng cao hơn dự toán 0,7 triệu tấn. Trong khi đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23.540.307 triệu đồng so với dự toán.

no cong van tang canh bao ap luc tra no ngay cang cao
Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng, tương đương 5,18% so với năm 2017.

Về chi ngân sách nhà nước, theo Tờ trình của Chính phủ, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trong đó, chi đầu tư phát triển quyết toán 393.303.617 triệu đồng, bằng 97,9% so với dự toán, chủ yếu do chi từ nguồn vốn ngoài nước không đạt dự toán, và một số nội dung được chuyển nguồn sang năm sau giải ngân tiếp theo quy định của Luật Đầu tư công. Số chi đầu tư phát triển chiếm 27,4% tổng chi ngân sách nhà nước, bằng 7,1% GDP.

Chi phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính quyết toán 931.858.604 triệu đồng, bằng 95,6% so với dự toán, chiếm 64,9% tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng giảm so với mức 65,5% của năm 2017. Chi trả nợ lãi quyết toán 106.583.600 triệu đồng, giảm 5.934.400 triệu đồng so với dự toán.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỷ đồng. Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Về bội chi, quyết toán số bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (năm 2018 GDP thực hiện năm là 5.542.300 tỷ đồng), giảm 50.889.597 triệu đồng , tương đương 0,9% GDP, so với dự toán Quốc hội quyết định là 3,7% GDP.

Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP, nợ công bằng 58,3% GDP, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.

Trong khi đó, theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 nêu rõ, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 8,73% so với ước thực hiện năm 2017, song tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định; dự toán thu xuất nhập khẩu lập và giao chỉ bằng 99,3% so với ước thực hiện năm 2017.

Đặc biệt, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng đầu năm thấp hơn số địa phương lập và chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 8,5% so với dự toán và bằng 110,7% thực hiện năm 2017, song kết quả tăng thu chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất. Nếu loại trừ các khoản thu trên thu nội địa chỉ đạt 96,7% dự toán giao.

Về chi ngân sách nhà nước, theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, dự toán chi ngân sách nhà nước 1.523.200 tỷ đồng, quyết toán 1.435.435 tỷ đồng (bằng 94,2% dự toán giao). Trong đó: Quyết toán chi đầu tư phát triển bằng 27,4% tổng chi ngân sách nhà nước; quyết toán chi thường xuyên giảm 4,4% so với dự toán bằng 64,9% tổng số chi ngân sách nhà nước, vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước).

Về nợ công, dư nợ công đến 31/12/2018 bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP thực hiện. Theo Kiểm toán Nhà nước, dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, còn tồn đọng một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, không trả nợ đúng hạn, để quá hạn, phải khoanh nợ; năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ.

Văn Huy
Phiên bản di động