Những người có sở thích tích trữ những thứ vô dụng
Theo WHO, thói quen tích trữ có thể là một rối loạn sức khỏe và liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm lâm sàng. (Ảnh: Storeandinsure) |
Trên thực tế có nhiều người vẫn tích trữ các món đồ không còn giá trị sử dụng trong nhà như một thói quen khó bỏ.
Tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi mà hầu như các hộ gia đình nhét đầy đồ không dùng vào túi nilon to, tích trữ đồ đạc là xu hướng phổ biến Theo nhà tâm lý học Devika Kapoor, có một lý do sâu xa hơn đằng sau điều đó.
“Đối với người tích trữ, họ thấy rất nhiều giá trị trong những đồ vật này, đôi khi dựa trên niềm tin cứng nhắc rằng điều gì sẽ xảy ra khi họ vứt chúng đi”, bà Kapoor nói.
Theo Kapoor, đôi khi, những trải nghiệm đau lòng như mất người thân hoặc bạn bè cũng có thể thúc đẩy mọi người tích trữ các món đồ vô dụng vì họ không chịu được cảm giác mất mát.
Đối với Akshaya Iyer, 27 tuổi, có thói quen giữ tất cả dây cáp và dây điện đi kèm với các thiết bị điện tử của gia đình. Giờ đây, Iyer có hơn 60 dây cáp trong nhà, hầu hết đều bị đứt hoặc không còn sử dụng được nữa.
Mỗi thiết bị điện tử đều đi kèm với một bộ dây. Tôi thường giữ lại dây sạc ngay cả khi không còn dùng điện thoại nữa”, cô gái trẻ cho hay.
Iyer tin rằng sự thiếu hiểu biết về việc tận dụng các sợi cáp khiến cô phải cất giữ, ngay cả khi chúng đã hỏng.
“Tôi tin rằng bản thân tích trữ những sợi dây này giống như biện pháp an toàn. Tôi nghĩ sẽ có ngày nào đó cần dùng đến chúng mà không phải ra cửa hàng mua mới”, Iyer nhấn mạnh.
Các sợi dây cáp hầu hết đều bị đứt hoặc không còn sử dụng được nữa được Akshaya Iyer tích trữ trong nhiều năm. (Ảnh: VICE) |
Tuy nhiên, “ngày nào đó” của Iyer không bao giờ đến. Iyer đang nỗ lực tái chế một số dây cáp không còn sử dụng được nữa và thừa nhận loại bỏ chúng là điều không dễ dàng làm trong ngày một ngày hai. Iyer cũng thừa nhận cô cảm thấy có sự gắn bó về mặt tình cảm với những thứ này.
Tương tự, Divya Swamy, một giám đốc điều hành tiếp thị thực phẩm 30 tuổi, đã tích trữ nhãn ghi giá sản phẩm từ những lần mua sắm của mình trong hơn 10 năm qua.
Cô nói: “Lần đầu tiên, tôi chỉ giữ nhãn ghi giá của áo phông có thiết kế đẹp mắt hoặc in biểu tượng của ban nhạc. Sau đó, nó trở thành thói quen. Hiện nay, tôi đang sở hữu hàng trăm nhãn ghi giá khác nhau”.
Swamy kể lại lần mẹ cô vô tình vứt một nhãn ghi giá, cô phải bới tung thùng rác để tìm. Sau lần đó, mẹ cô không bao giờ làm điều tương tự nữa.
Ngoài tích trữ các nhãn ghi giá, một thứ kỳ lạ khác mà Swamy tích trữ là vỏ gói trà. “Ban đầu tôi chỉ giữ chúng để lưu lại để nhớ tên thương hiệu cho các lần đặt hàng sau. Song đến nay, tôi có có một hộp kim loại đựng vô số vỏ trà”. Cô gái 30 tuổi cho rằng thói quen này có thể ảnh hưởng từ mẹ cô, người tích trữ hàng trăm túi nhựa và hộp đựng trong nhiều thập kỷ, một thói quen phổ biến ở nhiều hộ gia đình Ấn Độ.
Còn đối với Kapil Darbari, một nhân viên ngân hàng 42 tuổi, thói quen tích trữ các thiết bị cũ không còn hoạt động là kết quả của việc lớn lên ở một quốc gia nơi việc tiếp cận các thiết bị này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
“Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu, nơi chúng tôi mua một thứ như máy nghe nhạc Walkman là rất đắt. Tôi phải tiết kiệm rất lâu để mua nó, nên không muốn vứt bỏ khi chúng hỏng”, anh nói.
Tuy nhiên thói quen này không chỉ dừng lại với Walkman. Darbari đã giữ mọi thiết bị mà anh ấy từng sử dụng trong 20 năm qua, từ chiếc máy nghe nhạc MP4 cho đến chiếc điện thoại nắp gập đầu tiên của anh ấy.
“Tôi đã giữ mọi thiết bị mà tôi từng sở hữu kể từ năm 2002. Vợ tôi ghét điều đó vì chúng chiếm nhiều không gian. Song có lúc thói quen tích trữ tỏ ra có ích, như khi tôi muốn nghe một bài hát không có sẵn ở định dạng kỹ thuật số”, Darbari cười nói.
Divya Swamy có sở thích tích trữ các nhãn ghi giá (Ảnh: VICE) |
Đối với một số người khác, thói quen tích trữ đồ khiến họ rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Aashna Sharma, một nhà văn 25 tuổi, có thói quen “chuyên sưu tập” hộp đựng dầu gội, dầu xả, mỹ phẩm trống rỗng.
Tôi không thể vứt các vỏ chai sợ sẽ quên tên sản phẩm nếu muốn mua lại. Do đó tôi đã nhét tất cả vào ngăn kéo cạnh giường. Nhưng có lần ngăn kéo bị nứt và vỡ do sức nặng của mọi thứ tôi ném vào đó. Việc phân loại và dọn dẹp vớit ôi là một ác mộng”, Sharma nói.
Đối với Upasana, một chuyên gia tiếp thị 29 tuổi, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) đã dẫn đến việc cô cất giữ hộp nhựa và túi đựng chân không từ năm 12 tuổi. Khi chuyển sang quốc gia khác để sinh sống và học tập, Upasana phải trả 35.000 Rs (463 USD) cho hành lý quá cân. “Rất nhiều thứ tôi giữ lại vì những kỷ niệm gắn liền với chúng”, cô bộc bạch.
Nếu đối với nhiều người, những kỷ niệm gắn liền với những món đồ tưởng chừng như vô dụng thường mang lại cảm giác thoải mái và an toàn. Tuy nhiên, một số khác có thể cảm thấy đó là cách của họ để giúp Trái đất tránh khỏi nhiều rác thải hơn. Đó là trường hợp của kỹ sư 26 tuổi Edwin Wilson, người cảm thấy rất khó để vứt bỏ những cục pin đã cạn, vì chúng chứa các chất hóa học không tốt cho môi trường.
Kết quả là Wilson đang giữ hàng trăm cục pin cũ trong hộp nhựa. “Khi pin hết, tôi không muốn vứt đi vì nó chứa hóa chất không tốt cho môi trường. Tôi giữ hàng trăm cục pin cũ trong hộp. Đôi khi, tôi mang ra dùng lại và vẫn hoạt động. Chúng không hoàn toàn vô dụng”, Wilson nói.
Wilson chỉ ra rằng thói quen tích trữ của anh ấy có thể là một dạng jugaad (một thuật ngữ chỉ tinh thần của người Ấn Độ) nghĩa như cái khó ló cái khôn - một cách tiếp cận linh hoạt để giải quyết vấn đề sử dụng các nguồn lực hạn chế theo một cách sáng tạo. “Người Ấn Độ được bảo phải tiết kiệm từ khi còn rất trẻ. Tôi nghĩ đó là điều dẫn đến việc chúng tôi có nhiều khả năng tích trữ nhiều thứ hơn”, Wilson nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại tích trữ là một rối loạn sức khỏe và nhấn mạnh rằng vấn đề này đôi khi có thể phức tạp và liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm lâm sàng.Tích trữ cũng khác với hành động thu thập, khi mọi người sở hữu những thứ để chiêm ngưỡng hoặc trưng bày chúng ngay cả khi chúng không còn giá trị sử dụng.