Những điều giản dị tạo nên Tết ý nghĩa của người trẻ

Chỉ bằng những hành động nhỏ như trao lời chúc, mời nhau một bữa ăn, ngồi nhớ lại những câu chuyện xưa cũ… cũng có thể giúp chúng ta đón chào một cái Tết vẹn nguyên ý nghĩa và niềm vui.
Người trẻ chọn đón Tết đơn giản để thư giãn Người trẻ mong gì từ Tết truyền thống? Người trẻ "né" du lịch dịp lễ, Tết

Tết trong ký ức tuổi thơ

Với Trần Khánh Linh (25 tuổi, nhân viên ngân hàng), từ bé đến lớn, năm nào cô gái trẻ cũng mong Tết, càng lớn càng ngóng Tết hơn. Bởi càng lớn, áp lực bên ngoài càng tăng, thời gian dành cho bản thân, gia đình rất hạn chế. Chính vì vậy, chỉ có Tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để gắn kết bên những người thân yêu cũng như có được chút thời gian ngắn dành cho bản thân mình.

Nhớ lại những khoảnh khắc ngày Tết khi còn bé, Khánh Linh kể: “Hồi còn nhỏ mình thích được đi mua sắm đồ Tết với mẹ vô cùng, lúc nào cũng háo hức, giục mẹ xem khi nào mới đi mua đồ, rồi lúc ra chợ cứ đòi mẹ mua thứ này thứ kia, chắc vì Tết nên mẹ cũng đều mua cho hết. Được mang trên mình bộ áo quần mới vào ngày đầu năm là mình vui và sung sướng lắm.

Những điều giản dị tạo nên Tết ý nghĩa của người trẻ
Trong ký ức tuổi thơ của Khánh Linh, Tết luôn vẹn đầy niềm vui và sự háo hức

Cứ đến ngày rằm tháng Chạp, mỗi nhà trong thôn ở quê mình đều treo đèn trước cửa nhà làm cho những tuyến đường thôn, xóm sáng trưng. Lũ trẻ con tụi mình ăn cơm tối xong là tụm năm tụm bảy tham gia đủ thể loại trò chơi như: trốn tìm, rượt đuổi nhau, ô ăn quan… Hò hét, giận hờn rồi lại bênh vực nhau… Giờ nghĩ lại càng thêm nhớ”.

Khoảnh khắc mà Khánh Linh nhớ nhất là lần đầu được đón giao thừa cùng với ba mẹ. “Hồi nhỏ vốn luôn phải ngủ sớm nên không biết lỡ hẹn với giao thừa bao nhiêu lần. Còn nhớ năm 7 tuổi, mình quyết tâm thức tới 0 giờ, gắng căng mắt ra để cùng ba mẹ đón giao thừa, cảm giác rất lạ nhưng rất hạnh phúc. Giờ lớn rồi, thức khuya làm việc nhiều, ngỡ như ngày nào cũng là giao thừa vậy”, Khánh Linh bày tỏ.

Trong ký ức tuổi thơ của Hải Đăng (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa), Tết lúc nào cũng náo nhiệt, đông vui. Với Hải Đăng, do Tết thường trùng với sinh nhật nên chàng trai trẻ khá phấn khích và mong đợi khi vừa được đón xuân vừa bước sang tuổi mới.

Hải Đăng chia sẻ: “Tết là khoảng thời gian hiếm hoi trong năm được gặp gỡ đầy đủ họ hàng. Do vậy, trong ký ức tuổi thơ của mình, Tết lúc nào cũng náo nhiệt, đông vui. Ai cũng mặc quần áo mới, nhiều màu sắc sặc sỡ rồi chúc tết, nhận lì xì, ăn những món truyền thống… Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ đối với mình”.

Những điều giản dị tạo nên Tết ý nghĩa của người trẻ
Phương Thảo tin rằng mỗi việc tốt trao đi dù chỉ là những điều đơn giản cũng mang đến sự ấm áp trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc

Tết ý nghĩa với Hải Đăng chỉ đơn thuần là vượt ngàn dặm đường để được về dưới mái nhà bình yên của tuổi thơ, thảnh thơi với những giấc ngủ vùi không mộng mị. Để rồi mỗi buổi sáng, thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, được nghe văng vẳng từ xa những âm thanh Tết rất quen thuộc của ngày xưa cũ.

“Tết, chỉ cần được về nhà cùng gia đình thôi là mình sẽ thấy mọi thứ thật an lành sau bao tháng ngày mỏi mệt vì áp lực cuộc sống ngoài kia”, Hải Đăng chia sẻ.

Tết ý nghĩa bắt đầu từ những hành động nhỏ bé

Những ngày cuối năm, tranh thủ thời gian rảnh, Nguyễn Phương Thảo (27 tuổi, nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc) trò chuyện với mẹ qua FaceTime và không quên khoe món bún thang được mẹ hướng dẫn từng bước từ xa vừa hoàn thành dù có chút chật vật vì từ trước giờ, cô gái trẻ rất ít khi vào bếp nấu các món đòi hỏi sự tỉ mỉ như vậy.

Phương Thảo chia sẻ, bình thường cô rất ít khi để ý đến chuyện bếp núc vì cứ về đến nhà đã đầy món ăn mẹ nấu sẵn. Biết chắc chắn Tết năm nay sẽ không thể về Việt Nam vì công việc nên cô gái trẻ đã nhờ mẹ hướng dẫn cách nấu một vài món để gần Tết, Phương Thảo có thể tự làm cho có hương vị quê nhà.

Bắt tay vào các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu làm các món ăn, nghiên cứu sinh Việt cảm nhận rõ nét nhất sự chăm chút của mẹ trong mỗi món ăn ngày Tết. Giấu sự xúc động và nỗi nhớ nhà trong lòng, Phương Thảo hy vọng chương trình học tập của mình sẽ nhanh kết thúc để cô có thể về nhà trổ tài nấu nướng cho mẹ xem.

Những điều giản dị tạo nên Tết ý nghĩa của người trẻ
Y tá trẻ Diễm Ly có lần đầu tiên đón Tết tại bệnh viện

Không chỉ học nấu ăn, Phương Thảo tiết lộ đang làm video chúc Tết vui nhộn dành cho ba mẹ và em gái. Không thể đón giao thừa tại Việt Nam nhưng cô gái trẻ tin rằng với những món quà đầy tâm tư tình cảm, cả gia đình sẽ vẫn đón năm mới vui vẻ.

"Tết ở lại đây mình sẽ tham gia một vài hoạt động thiện nguyện với cộng đồng người Việt. Mọi người sẽ làm bánh chưng và hôm nay sẽ đem tặng cho người khó khăn. Dù ở nơi nào, mình đều có niềm tin rằng mỗi việc tốt trao đi dù chỉ là những điều đơn giản cũng mang đến sự ấm áp trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc", Phương Thảo chia sẻ.

Giống như Hải Anh và nhiều người Việt xa quê khác, Dương Tùng (22 tuổi, du học sinh tại Hà Lan) cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho một cái Tết khác biệt. Chàng trai trẻ cho biết, thông thường năm nào anh cũng tiết kiệm, dồn ngày nghỉ phép để thu xếp bay về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên năm nay, vì lịch thực hiện đề tài nghiên cứu nên hoạch của Tùng phải thay đổi.

Dù vậy, để bù lại, Dương Tùng cùng những người bạn đồng hương dự định tổ chức tiệc nhỏ thân mật bên đây và sẽ gọi điện đón năm mới từ xa với gia đình. Số tiền lẽ ra sử dụng cho chuyến đi, chàng trai trẻ gửi về, nhờ mẹ sắm sửa cho cả nhà và mua ít quà Tết tặng những người ở quê có hoàn cảnh khó khăn.

"Không khí đón xuân chắc sẽ khác biệt so với hằng năm nhưng sự quan tâm, săn sóc, yêu thương thì không thay đổi, có phần còn tăng thêm nữa. Quan trọng nhất là giữ được không khí Tết ở trong lòng, vì như thế thì chẳng có khoảng cách địa lý hay hoàn cảnh nào ngăn cách được", , Dương Tùng chia sẻ.

Tại Việt Nam, rất nhiều người cũng có những ngày Tết khác biệt vì công việc, hoàn cảnh. Trước đây vài ngày, y tá trẻ Diễm Ly (bệnh viện Nhi Trung ương) vừa thông báo với gia đình rằng Tết này sẽ phải ở lại để trực Tết theo lịch của bệnh viện.

"Quê mình ở Đà Nẵng nhưng mình lại lựa chọn Hà Nội là nơi sinh sống nên nhiều tháng rồi mình không thể về nhà. Tết này dự định sẽ về quê đón Tết cùng gia đình sớm hơn nhưng do lịch công tác và một số kế hoạch cá nhân khác, mình phải gác lại mọi dự định để ở đây cùng mọi người.

Những điều giản dị tạo nên Tết ý nghĩa của người trẻ
Chỉ bằng những điều đơn giản nhất cũng có thể giúp người trẻ đón chào một cái Tết vẹn nguyên ý nghĩa và niềm vui

Gọi điện về nhà, mình thấy ấm lòng hơn khi bố mẹ và em gái đều bảo không sao, miễn là mình có thể giúp mọi người khỏi bệnh, khỏe mạnh đón năm mới là cả nhà đều vui rồi. Tại bệnh viện nơi mình làm việc, cứ đi đến đâu là đều nhận được những lời hỏi thăm từ mọi người. Dường như sau khoảng thời gian chiến đấu với bệnh tật, mọi người đều hiểu hơn công việc của các y, bác sĩ và biết nghĩ cho người khác nhiều hơn", bác sĩ Diễm Ly chia sẻ.

Ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, Tết luôn mang ý nghĩa thiêng liêng vì là sự khởi đầu, niềm hy vọng, dịp để bày tỏ yêu thương gắn kết. Nhiều người sống xa nhà hay bận rộn với công việc mà không thể đón Tết cùng gia đình cho biết, dù có chút buồn vì không thể về nhà sum vầy bên gia đình vào dịp Tết nhưng vẫn cố gắng làm gì đó để mang không khí xuân về.

Công thức để Tết thêm trọn vẹn của họ không gì phức tạp mà đôi khi nằm ở những hành động nhỏ bé, giản dị như nấu một vài món ăn, gửi lời chúc, thăm hỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... để kết nối, sẻ chia và trao gửi thân tình năm mới.

Năm mới đã cận kề, khởi đầu nhiều hy vọng đang đợi chờ. Dù hoàn cảnh thế nào, mỗi người sẽ có cách để tìm niềm vui riêng cho bản thân và lan tỏa điều tốt lành đến nhau, bắt đầu từ những hành động nhỏ bé nhất…

Trung Đức

Bình luận

Phiên bản di động