Nhức nhối tình trạng tội phạm tuổi teen

Thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Điều này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cấp bách trong việc chung tay phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi này.
Cẩn trọng với tội phạm mùa nắng nóng Phòng chống tội phạm ma túy: Kết hợp giữa đời thực và không gian mạng “Khắc tinh” của tội phạm trên không gian mạng

Giải quyết mâu thuẫn giúp “bạn ảo”

Thống kê từ Công an Hà Nội cho thấy, hiện xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự mà đối tượng gây án đang độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Đáng chú ý, các đối tượng không chỉ hành động đơn lẻ mà lôi kéo tạo thành nhóm, cho thấy sự manh động và phức tạp của tội phạm vị thành niên.

Điển hình như tối 30 rạng sáng 31/3, các tổ Cảnh sát 141 hóa trang và công khai (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) lập chốt tại khu vực nóc hầm Kim Liên (đoạn qua cổng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), phố Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh... đã xử lý hàng loạt thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng trên đường.

Sau ít phút làm nhiệm vụ, Tổ công tác Y14/141 hóa trang đã phát hiện N.K.H.N (học sinh lớp 12, trú tại quận Cầu Giấy) điều khiển xe máy không biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm đi trên đường Trần Khánh Dư. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện thiếu niên này còn tàng trữ 1 gậy ba khúc trong xe.

Lại "nhức nhối" tình trạng tội phạm tuổi teen
Lực lượng chức năng xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Gần đây nhất, đầu tháng 6/2024, Công an huyện Chương Mỹ đã bắt giữ nhóm thanh, thiếu niên mang hung khí, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn.

Theo điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhóm đối tượng ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông do N.A.Đ (sinh năm 2008) cầm đầu với nhóm đối tượng ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ do Đ.N.H (sinh năm 2008) cầm đầu.

Cả hai bên đã chửi bới, thách thức qua facebook và hẹn đánh nhau vào tối 8/6 tại thị trấn Chúc Sơn. Trước khi đi, hai nhóm đã chuẩn bị dao, ống tuýp sắt gắn đầu nhọn... đồng thời tháo biển kiểm soát xe máy, dùng khẩu trang bịt kín biển số.

Trong quá trình đi xuống thị trấn Chúc Sơn, nhóm của Đ liên tục phóng xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, hò hét gây náo loạn đường phố.

Đến gần 22h, sau khi 2 nhóm đi lòng vòng qua nhiều tuyến phố, nhóm của Đ gặp nhóm của H, nhưng thấy nhóm của H đông người và nhiều hung khí nên nhóm của Đ đã quay xe bỏ chạy.

Hai đối tượng trong nhóm của H đã đuổi theo nhóm Đ nhưng không làm chủ tốc độ đã phi thẳng xe vào cột điện bên đường phải vào bệnh viện điều trị.

Quá trình điều tra vụ việc, Công an huyện Chương Mỹ đã làm rõ hơn 20 đối tượng có độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi tham gia gây rối đồng thời thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng, tạm giữ hình sự đối với 10 đối tượng…

Theo cơ quan Công an, tình hình tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua mặc dù đã được kiềm chế, kéo giảm về số vụ việc, số đối tượng nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự và là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cố ý hủy hoại tài sản, giết người... và phổ biến ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Hà Nội.

Đáng nói, nhiều thanh, thiếu niên mặc dù không quen biết nhau ngoài đời thực, nhưng khi tham gia các nhóm chat trên mạng xã hội, chỉ cần một lời mời rủ, hô hào, sẵn sàng cầm theo hung khí đi “gây chiến” giải quyết mâu thuẫn giúp “bạn ảo”.

Điểm mặt nguyên nhân

Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên (gọi chung là người chưa thành niên - chưa đủ 18 tuổi) phạm tội ngày càng nhiều, đặc biệt là các tội phạm liên quan đến trật tự trị an, như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, ma túy, gây rối trật tự công cộng…

Lại "nhức nhối" tình trạng tội phạm tuổi teen
Nhóm bị cáo sinh năm 2006, 2007 bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử - Ảnh: N.A

Điển hình như vào ngày 2/5, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Q.K (SN 2006) 18 năm tù, Nguyễn H.Đ (SN 2008) 11 năm tù và Nguyễn Ng.Th (SN 2007) 10 năm tù, cùng về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là 2 thiếu niên 16 tuổi.

Vụ án xuất phát từ việc va chạm trên đường đi học về, K nhắn tin thách thức hẹn bạn cùng trường đánh nhau. Hôm sau, nam thanh niên này kéo thêm bạn bè, mang hung khí truy sát, khiến 2 nam sinh tử vong.

Gần đây nhất, ngày 15/5, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) thông tin đã áp dụng các biện pháp tố tụng để xử lý nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí gây gổ đánh nhau, làm mất an ninh trật tự chỉ vì mâu thuẫn nhỏ khi mượn máy hút thuốc lá điện tử.

Do đâu thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng nhiều?

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), các vụ án có người chưa thành niên phạm tội đang có xu hướng tăng nhanh cả ở cấp huyện và cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, không ít vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng do bị can, bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên một mình hay cùng đồng bọn gây ra, với hành vi phạm tội không hề “non nớt”, “ngây thơ”.

Luật sư Cường cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội và ngày càng “trẻ hóa” đối tượng phạm tội. Trước hết là do đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi bởi ở độ tuổi này, các cháu dễ bị lôi kéo, kích động và thích thể hiện bản thân.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, những rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình khiến trẻ em trong các gia đình này không được thực sự quan tâm. Một số nguyên nhân khác phải kể đến như trẻ em sống trong môi trường bạo lực, thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn xấu; thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương; hay ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, khoa học công nghệ…

“Bên cạnh đó, công tác giáo dục coi nặng kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, nhân cách, đặc biệt là đối với những học sinh cá biệt… cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tội phạm ngày càng trẻ hóa”, luật sư Cường phân tích.

Đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nhiều chuyên đề về “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố”…

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng các đối tượng thanh thiếu niên từ địa bàn các tỉnh khác về Hà Nội hoạt động diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều giải pháp đang được lực lượng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội triển khai và sẽ tập trung xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tạo tính răn đe…

Theo Trung tá Lý Hoài Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, nguyên nhân của các vụ gây rối trật tự công cộng đông đối tượng, sử dụng hung khí đuổi đánh nhau đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân từ trước như: mâu thuẫn khi tham gia giao thông trước đó trên đường phố, trong quá trình sử dụng mạng xã hội hay trong chuyện tình cảm nam nữ thanh niên mới lớn. Hoặc, dù không có mâu thuẫn nhưng các đối tượng thích thể hiện, tụ tập gây sự, đuổi đánh nhóm khác.

Đa số các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok chửi bới, thách thức nhau sau đó lôi kéo, tụ tập bạn bè tham gia chạy xe gây rối trật tự công cộng.

Các đối tượng thường tụ tập thành nhóm đông, chuẩn bị hung khí nguy hiểm gồm các loại dao, kiếm, tuýp sắt gắn dao nhọn, chai thuỷ tinh… điều khiển xe máy không gắn hoặc che biển kiểm soát hò hét, rú ga, bấm còi inh ỏi. Khi gặp các đối thủ thì dùng hung khí truy đuổi, xông vào hỗn chiến.

Qua các vụ việc được điều tra, khám phá, Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự nhận định, tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng đang có xu hướng chuyển dịch từ địa bàn phố, thành thị về các khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội.

Ngoài ra, tội phạm ngày càng trẻ hóa và biết sử dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, mạng xã hội để liên lạc, móc nối, kêu gọi đồng bọn, chuẩn bị phương tiện công cụ phạm tội gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý của cơ quan Công an…

Trước sự bồng bột, nhận thức không đầy đủ về hành vi cá nhân, lại không được quan tâm, chỉ dạy từ gia đình đã khiến nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính, nhưng một số trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng vẫn phải trả giá cho những hành động sai trái của mình và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Trung tá Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Công an phường Đội Cấn, quận Ba Đình, cho rằng: “Để phòng ngừa tình trạng gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân.

Các bậc cha mẹ phải gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm của các em, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con trẻ. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu…”.

Phân hóa lứa tuổi, áp dụng chính sách phù hợp

Theo phân tích của luật sư Cường, việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên chính là thiết chế mới để từng bước chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên phạm tội.

Năm 2016, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Tương đương. Thông tư này có các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức, giải thể, thẩm quyền các Tòa chuyên trách, trong đó có Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Năm 2017, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định phòng xử án, trong đó có quy định về phòng xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Ở đó, phòng xét xử người chưa thành niên khác hoàn toàn so với các phòng xét xử khác, và còn được mọi người gọi với một cái tên khác: “Phòng xét xử thân thiện”.

Năm 2018, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên…

“Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của luật đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng nhằm góp phần bảo vệ quyền trẻ em; mặt khác giúp phân hóa lứa tuổi, đối tượng phạm pháp để áp dụng chính sách phù hợp, hiệu quả”, luật sư Tuyến nhấn mạnh.

Được biết, tới đây, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục bổ sung những quy định về tố tụng thân thiện ngay trong giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố.

Luật sư Cường thấy rằng điều này thể hiện rõ tiến trình cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và đặc biệt là thêm các giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng người chưa thành niên phạm tội, cũng như tình trạng “trẻ hóa” tội phạm, góp phần xây dựng xã hội bình yên, trật tự.

Để giảm tình trạng tội phạm ngày càng “trẻ hóa”, ngoài chú trọng công tác giáo dục đạo đức song song với giáo dục trí thức, tăng cường sự quan tâm, giáo dục ngay từ trong gia đình, luật sư Tuyến cũng cho rằng xã hội có thể chung tay tạo ra nhiều “sân chơi” lành mạnh, bổ ích nhằm khích lệ người chưa thành niên tham gia…

Hoa Thành
Phiên bản di động