“Khắc tinh” của tội phạm trên không gian mạng
Đam mê an ninh mạng
Đại uý Lê Thế Văn (35 tuổi, hiện đang công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) vừa vinh dự là một trong 10 "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Dù luôn trong tình trạng làm việc “hết công suất”, góp mặt và phụ trách nhiều chuyên án lớn, nhỏ trên mặt trận an ninh mạng nhưng chưa bao giờ Đại úy Lê Thế Văn thể hiện sự ủ rũ, mệt mỏi trên gương mặt. Có cơ hội được ngồi trò chuyện cùng anh, chúng tôi mới phần nào hiểu hơn về nhiệm vụ mà anh đang gánh vác.
Trong căn phòng làm việc, Đại úy trẻ Lê Thế Văn cùng đồng đội hàng ngày phải trực tiếp theo dõi thông tin qua chiếc điện thoại di động. Hàng nghìn số liệu điện tử trên chiếc điện thoại khiến các anh phải đau đầu, trằn trọc để xử lý. Từ những thông tin này, phải làm rõ được số tiền các đối tượng đã đánh bạc quả thực không hề dễ dàng.
Anh Văn kể, ban ngày, anh phối hợp với các kỹ thuật viên, chuyên gia… để nghiên cứu, thu thập các dữ liệu, tài liệu điện tử liên quan. Đêm đến, anh lại mày mò, thâu đêm suốt sáng để tìm được câu trả lời.
Đại úy Lê Thế Văn |
Nhớ lại quãng thời gian sau khi tốt nghiệp THPT, anh Văn lựa chọn theo học ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, anh được học nhiều kiến thức về lĩnh vực CNTT, bảo mật, an toàn thông tin, mật mã...
“Sau khi tốt nghiệp đại học, biết Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành An ninh mạng, tôi đã quyết tâm nộp hồ sơ và vượt qua các vòng thi tuyển, trở thành Thiếu uý chuyên lĩnh vực an ninh mạng. Càng làm việc, tôi càng cảm thấy hứng thú, yêu thích, muốn gắn bó lâu dài với công việc này, cảm thấy tự hào khi khoác trên người bộ quân phục, trở thành một chiến sĩ Công an Nhân dân (CAND)”, anh Văn cho hay.
Trong gần 12 năm công tác trong ngành, anh Văn được Lãnh đạo tin tưởng, giao phó thực hiện nhiều công tác nghiệp vụ khác nhau. Từ đây, anh có cơ hội trau dồi cho mình thêm kiến thức về các công tác công an chuyên biệt.
Cùng với việc phát huy, vận dụng những kiến được học về lĩnh vực CNTT vào thực tế công việc, anh Văn cũng dần làm quen với việc kết hợp kiến thức kỹ thuật và nghiệp vụ CAND.
Đại uý Lê Thế Văn tham gia hoạt động tình nguyện ở Sơn La |
Trong quá trình công tác, điều khiến chàng đại úy day dứt không phải là những kỷ niệm về việc bắt được bao nhiêu tội phạm, xử lý được bao nhiêu vụ việc mà là câu chuyện về những bạn trẻ tài giỏi, được đào tạo, có kiến thức chuyên môn tốt nhưng thiếu hiểu biết pháp luật. Điều đó khiến họ không giữ được mình, bị kẻ xấu lôi kéo để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, cuối cùng phải dính vào vòng lao lý.
“Mỗi lúc như vậy, tôi thấy đấy là điều thực sự rất đáng tiếc, tiếc cho bản thân và gia đình củahọ, tiếc cho cả xã hội. Nếu như họ không lạc lối thì giờ đây họ sẽ trở thành những con người có ích, đóng góp cho xã hội”, anh Văn trải lòng.
Chủ động, xung kích trên trận tuyến an ninh mạng
Trong môi trường quân ngũ, Đại úy Lê Thế Văn luôn ghi nhớ 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND, đó là: Đối với mình, phải “cần, kiệm, liêm, chính; đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ; đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; đối với công việc, phải tận tụy; đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo”.
Thấu hiểu sâu sắc lời dạy của Bác, anh Văn ra sức nghiên cứu, học tập để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Đại úy Lê Thế Văn (ngoài cùng bên trái) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ |
Làm việc tại Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, anh Văn trực tiếp tiến hành xác lập chuyên án, xác minh, truy tìm, tham gia một số chuyên án trọng điểm nhưB419, DAT9, Đ820, N921, T521, H820, B521…
Anh Văn kể, trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm mạng xã hội, khó khăn nhất là chúng luôn lợi dụng tính ẩn danh, lan toả nhanh của không gian mạng và sự đa dạng của các loại hình dịch vụ như Facebook, Tiktok, YouTube… để thực hiện các hoạt động phạm tội.
Cái khó là, vớisự am hiểu về CNTT, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, nhóm tội phạm đã kịp thời xóa bỏ dấu vết hoạt động khiến cho việc thu thập thông tin, tài liệu, tổ chức các biện pháp xác minh, truy tìm gặp không ít khó khăn.
“Để đáp ứng công việc, những trinh sát an ninh mạng như chúng tôi phải học tập, nghiên cứu rất nhiều kiến thức mới, học tập qua kinh nghiệm, thực tiễn. Cũng may mắn, tôi đã được làm việc với những người đồng nghiệp, lãnh đạo tài năng, luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn để chúng tôi có thể trưởng thành như ngày hôm nay”, chàng Đại uý nói.
Với những đóng góp trong lĩnh vực an ninh mạng, năm 2023, Đại úy Lê Thế Văn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đại uý Lê Thế Văn (thứ 3, bên phải vào) chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ khánh thành công trình "Phòng học yêu thương - nâng bước em tới trường" ở tỉnh Sơn La |
Anh Văn cũng là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND năm 2023, trở thành Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 3 năm liên tiếp và vinh dự nhận nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc của mình. Gần đây, anh được đề cử là một trong 10 gương mặt của Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
“Tôi ý thức sâu sắc rằng, đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm mà thế hệ trẻ hôm nay phải gánh vác. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục học tập, nghiên cứu, sáng tạo đưa ra các giải pháp mới, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm góp phần giữ vững ANQG, bảo đảm an ninh trật tự”, chàng trai trẻ kết lời.