Nhức nhối hàng giả, hàng gian trên thương mại điện tử

Năm 2024, nhà chức trách đã phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô và số lượng lớn các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán.
Quy mô thương mại điện tử dự báo vượt mốc 25 tỷ USD Hơn 3.100 vụ vi phạm trên thương mại điện tử năm 2024

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn, khó lường với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hóa trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư, thương mại xuyên biên giới.

Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.

Ở trong nước, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Nhức nhối hàng giả, hàng gian trên thương mại điện tử
Ảnh minh họa.

Về công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website thương mại điện tử và 583 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký.

Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Đối với công tác rà soát, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công An phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô và số lượng lớn các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán; đoàn kiểm tra đã tạm thu giữ 125.088 sản phẩm các loại bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm….

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu website/ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tửvà website/ứng dụng thương mại điện tử rà soát gỡ bỏ nhiều sản phẩm vi phạm theo phản ánh từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông (mỹ phẩm, thuốc đông y, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng…).

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, nanh răng hổ… và các thiết bị bẫy, lưới, các thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim di cư; các thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng), thiết bị kích sóng điện thoại di động; sản phẩm bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm,… trên các website thương mại điện tử bán hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử không đúng quy định của pháp luật.

Đối với công tác phối hợp cung cấp thông tin xử lý vi phạm trong thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra tại Hà Nội, TP HCM, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Bình, Gia Lai, Bắc Ninh, Ninh Bình… trong việc cung cấp thông tin xác minh vi phạm hàng chục website/ứng dụng trong thương mại điện tử, ví dụ như retamino68.com, cronbase2.one, vluky.com và 323.com, tienlientaybb2.com, …

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát và cung cấp thông tin nhiều website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quảng lý thị trường và các Cục tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Trị, Hà Nam, Bạc Liêu, Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền 9 website trong năm 2024.

Về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hàng thanh tra 2 đơn vị, kiểm tra 5 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị, tổng số tiền nộp phạt vi phạm hành chính vào ngân sách Nhà nước là 162 triệu đồng; tiến hành thanh tra 1 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Hậu Lộc
Phiên bản di động