Nhu cầu nhà trọ tăng cao, sinh viên lo lắng
Nhà trọ tăng giá khiến sinh viên chật vật
Dù đã gấp rút tìm nhà trọ ngay khi nhà trường có thông báo học trực tiếp nhưng việc tìm nhà trọ phù hợp tài chính cũng như thuận tiện đi lại, đảm bảo an toàn là một thách thức không nhỏ của chàng trai Hoàng Minh Hiếu, sinh viên năm nhất trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoàng Minh Hiếu mong muốn nhanh chóng tìm được phòng trọ để ổn định việc học |
Hiếu tâm sự: “Khi biết được thông tin chuẩn bị đi học trở lại, em và gia đình đã chủ động tìm phòng trọ từ sớm. Tuy nhiên, vì chưa lên Hà Nội bao giờ nên việc tìm nhà trọ với em khá khó khăn, tìm trên Google, Facebook có nhiều nơi hết phòng, nơi giá cao, chỗ thì lại xa trường quá. Em vẫn đang tham khảo thêm rồi mới đưa ra quyết định”.
Theo khảo sát, hiện phòng trọ ở khu vực Cầu Giấy gần các trường đại học như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Quốc gia, Đại học Điện lực... có giá cho thuê khoảng 2,5 - 2,8 triệu đồng cho phòng 20-25m2, đủ để 2 sinh viên ở; Từ 3 - 3,5 triệu đồng cho phòng 30m2 chưa kể điện nước. Quanh các trường học hiện tại hầu hết là hết phòng .
Nhiều nhóm cho thuê nhà có lượng người tham gia rất lớn và tương tác mỗi ngày rất cao trong thời gian gần đây |
Khác với mọi năm, sự lo lắng tìm nhà trọ chủ yếu ở các bạn sinh viên năm nhất thì năm nay, Hoàng Hải Yến, sinh viên năm cuối trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cũng đang chật vật tìm kiếm nhà trọ phù hợp.
Thời gian ảnh hưởng của dịch kéo dài nên Yến cũng như nhiều sinh viên khác đã trả phòng trọ về quê học online vì không biết đến bao giờ mới được quay trở lại trường học trực tiếp.
Phòng cũ thì chủ nhà trọ đã cho thuê, phòng mới thì giá lại tăng cao hơn. Yến lo lắng cho biết: “Trước Tết em đã nhận được thông tin sau Tết chuẩn bị đi học lại sau 9 tháng học online. Vui thì có nhưng em lại lo vì phòng trọ cũ gần trường đã trả lại và cũng có người khác thuê rồi.
Hiện giờ, em tìm trên mạng nửa tháng trời thấy phòng nào cũng cao hơn trước khoảng 500.000 đồng mà chưa chắc đảm bảo an ninh và xa trường. Em đang rủ thêm bạn thuê chung để tìm phòng phù hợp với kinh tế hơn”.
Chủ nhà trọ tăng giá phòng đồng nghĩa sẽ tăng thêm gánh nặng cho sinh viên. Thời buổi kinh tế thị trường việc chủ kinh doanh tăng giá cũng là điều khó tránh khỏi nhưng ngoài tiền nhà cao, sinh viên còn chịu cảnh giá điện cao, từ 3,5 - 4 nghìn đồng một số điện, nước 30-35 nghìn đồng/khối; Nhiều nơi lấy giá nước từ 80-100 nghìn đồng/người.
Không những thế, hàng tháng còn thêm một số chi phí cố định như vệ sinh, rác, phương tiện đi lại… khiến sinh viên thêm bao nỗi lo toan.
Trong những ngày gần đây, các fanpage, hội nhóm cho thuê phòng trọ nhộn nhịp hẳn lên. Trên mạng xã hội chủ yếu là các môi giới đăng ảnh quảng cáo nhà trọ rất đẹp đẽ, tiện ích. Tuy nhiên, thực tế có được như trên ảnh hay không chưa biết được. Bài đăng trên Facebook thì sạch sẽ, tiện nghi, giá cả phù hợp còn khi liên hệ trực tiếp thì không được như mong muốn.
Bạn Trần Phương Thảo, sinh viên năm 3 Đại học Lao động và Xã hội, cho hay: “Mình gọi điện hỏi, chỗ thì hết phòng trong khi bình luận còn phòng, chỗ hẹn đến xem nhà như ảnh thì lại nói vừa có bạn đặt cọc... Mình đành tiếp tục đi tìm thêm”.
Chấp nhận thuê phòng giá cao
Khi các trường đại học đồng loạt cho sinh viên trở lại trường học, các chủ nhà trọ cũng lợi dụng tăng cao giá tiền thuê. Đây cũng là khó khăn chung của các sinh viên khi tìm kiếm nhà trọ trong thời điểm hiện tại.
Nhiều sinh viên lo lắng vì khó tìm được phòng giá rẻ thời điểm này |
Bạn Phạm Thu Trang, sinh viên năm 3, Học viện Tài chính bức xúc khi nghe tin giá phòng tăng lên 300.000 đồng/tháng. Trang cùng bạn thuê ở chung. Cả hai về quê nhiều tháng khi học online, phòng không ở nhưng vẫn đóng tiền đều hàng tháng. Khi lên chuẩn bị học trực tiếp thì chủ trọ tăng giá phòng từ 2,7 lên 3 triệu đồng. Muốn chuyển trọ nhưng đi tìm cả tuần trời Trang đều gặp tình trạng “cháy phòng” và giá cao.
“Một số bạn bè của em cũng gặp tình trạng này. Sinh viên tìm phòng trọ thời điểm này khá khó. Bọn em đi tìm mấy ngày nay nhưng chưa tìm được nơi nào phù hợp. Chắc là bọn em phải chấp nhận giá tăng cao để chuẩn bị ổn định chỗ ở và việc học nữa”, Trang chia sẻ.
Mặc dù không ở nhiều tháng nhưng Trang và bạn đều đóng tiền phòng đầy đủ để giữ đến khi đi học lại. Ngược lại, chủ nhà trọ lại tăng giá theo “cảm hứng”...
Nhiều sinh viên thậm chí phải ở ghép để giảm bớt chi phí tiền nhà. Tình trạng giá tăng cao, “cháy phòng” khiến nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang loay hoay tìm nhà khắp các con phố Hà Nội.