Nhịp đập mạnh mẽ nơi trái tim hồng

78 năm trôi qua kể từ mùa thu lịch sử năm 1945 khởi nghĩa giành chính quyền, Hà Nội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường vượt qua mọi khó khăn, ngày càng vươn mình lớn mạnh, trở thành TP đáng sống, điểm đến an toàn, thú vị trong mắt bạn bè quốc tế.
Ơn nghĩa sinh thành 2023: Nơi để trái tim hướng về đấng sinh thành Những lời yêu thương con gửi từ trái tim… Hai nghệ sĩ piano trẻ mang nhiệt huyết trái tim trình diễn "Âm thanh vĩnh cửu"

Mãi tự hào về mùa thu lịch sử

Mỗi độ thu về, Hà Nội lại như sống lại trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử khi phố phường khoác trên mình màu đỏ tươi của cờ đỏ sao vàng.

Trong tâm trí những người con Thủ đô giờ đây đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy vẫn vẹn nguyên ký ức về ngày 19/8/1945 - ngày cả Thủ đô vùng dậy giành chính quyền. Hà Nội đỏ rực màu cờ, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra, trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng. Đến chiều 19/8, Hà Nội ngập tràn trong niềm vui thành công của cuộc khởi nghĩa, chính quyền đã thuộc về tay Nhân dân.

Nhịp đập mạnh mẽ nơi trái tim hồng
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội là thắng lợi của trí tuệ, niềm tin và lòng quả cảm. Đó là một sự kiện lớn của Nhân dân Hà Nội, là "tiếng súng" mở đầu cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên quy mô cả nước, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng và tan rã của hệ thống chính quyền thân Nhật, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh, TP khác trong cả nước đứng lên khởi nghĩa.

Tiếp theo Hà Nội, ngày 23/8, Huế giành được chính quyền; Ngày 25/8, Sài Gòn giành được chính quyền; Ngày 28/8, các địa phương cuối cùng trong cả nước giành được chính quyền. Ủy ban dân tộc giải phóng tuyên bố tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ trong vòng 15 ngày (ngày 14 - 28/8) cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại thoái vị và giao nộp ấn, kiếm, áo bào cho đại diện Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo, trực tiếp là cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, có thể khẳng định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thực sự là thắng lợi “mẫu mực, tiêu biểu” của nghệ thuật lãnh đạo, phát hiện, chớp đúng thời cơ, với phương pháp cách mạng rất sáng tạo.

Nhiều năm trôi qua kể từ ngày khởi nghĩa giành chính quyền, Hà Nội với vai trò là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa luôn nỗ lực không ngừng trong thực hiện mọi nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó.

Kỳ vọng và tin tưởng vào sự phát triển của Thủ đô, tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội tháng 10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lời căn dặn của Bác Hồ: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác, cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội hãy thấm nhuần sâu sắc điều đó, làm cho bằng được điều đó, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Nhịp đập mạnh mẽ nơi trái tim hồng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ và mong muốn của Tổng Bí thư, cũng tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới.

Đó là đến năm 2025, Hà Nội xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; Phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”; Phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, TP ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; Tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô; Phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

TP tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo khung pháp lý để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Hà Nội tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Xây dựng, phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Quan tâm đến việc khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn TP; Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống…

Nhịp đập mạnh mẽ nơi trái tim hồng
Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, hỗ trợ Thủ đô phát triển bằng nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng

Nỗ lực không ngừng cho "khát vọng hóa rồng"

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội, một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc, sáng tạo, bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô đã khởi sắc, diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp hơn.

Cụ thể, TP tăng trưởng bình quân năm 2021 - 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021 - 2022, GRDP tăng 5,86% cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%).

Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; Dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội; Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được TP chú trọng. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người, tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm...

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178.465 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán giao đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ước chi ngân sách địa phương trên 30 nghìn tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán.

Bên cạnh đó, TP tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược.

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh, giai đoạn 2021-2022 TP đã hoàn thành 218 dự án. Năm 2023, TP dự kiến hoàn thành 164 dự án. Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Đường vành đai 2 trên cao; Dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội …

Nhịp đập mạnh mẽ nơi trái tim hồng
Đời sống của người dân Thủ đô không ngừng được cải thiện

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được Hà Nội chú trọng. TP đã triển khai lấy ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô; Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…

Phát triển văn hóa - xã hội được Hà Nội chú trọng quan tâm. TP đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; Triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng vốn đầu tư 49.200 tỷ đồng. Cùng với đó, TP tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

TP đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cả hệ thống chính trị TP đã vào cuộc triển khai, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống trong sự mong chờ của người dân về những đổi thay của Thủ đô.

Hà Nội mang trong mình một nội lực mạnh mẽ, thứ nội lực được hun đúc qua quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng trưởng thành cùng một quyết tâm bứt phá từ trong hệ thống chính quyền và đông đảo quần chúng Nhân dân. Đây là nền tảng để hiện thực hóa “khát vọng hóa rồng” của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động