Nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng đứng trước nỗi lo thiếu hụt lao động
Đề xuất TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển như Hải Phòng Hải Phòng: Cảnh cáo cựu Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Hải Phòng cho phép mở lại dịch vụ karaoke, vũ trường |
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng, trên địa bàn hiện có 293 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, 267 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do dịch bệnh. Trong đó, doanh nghiệp khối ngành may mặc, giày da bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nhiều lao động phải chuyển đổi làm công việc khác khi doanh nghiệp buộc thôi việc |
Công ty TNHH Công nghiệp giày Aurora Việt Nam - Doanh nghiệp vốn đầu tư Đài Loan hiện tạo việc làm cho gần 7.000 công nhân lao động, sản xuất giày xuất khẩu thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Bà Đỗ Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, từ tháng 3, các đơn hàng bị hủy bỏ, việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, đến tháng 4, công ty cắt giảm gần 1.800 lao động chủ yếu là lao động hợp đồng 1 năm, lao động đến hết hợp đồng lao động nhưng không ký tiếp, hết thời gian thử việc không ký tiếp, lao động tỉnh xa.
Việc các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch nhưng vẫn nỗ lực giữ chân người lao động một phần là do những lo ngại thiếu nguồn nhân lực duy trì sản xuất sau dịch Covid-19. "Trong thời gian nghỉ việc, nhiều công nhân tìm kiếm việc làm ở đơn vị khác để duy trì cuộc sống. Vậy nên trong tháng 6, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sẽ thiếu hụt lao động, trong khi đó việc tuyển dụng, đào tạo lại lao động mất khá nhiều thời gian" - Đại diện Công đoàn công ty cho biết.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng phối hợp Liên đoàn Lao động, Ban quản lý Khu Kinh tế nắm bắt tình hình việc làm tại các doanh nghiệp, kết nối cung - cầu lao động |
Bên cạnh đó, do nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc kịp hoàn thành tiến độ giao hàng, vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như Công ty LG Display cần tuyển khoảng trên 2.000 lao động hoặc một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động bổ sung, lao động thay thế từ 30 đến dưới 100 lao động. Về cơ bản, tình trạng thất nghiệp tăng đột biến chưa xảy ra nhưng tình trạng thiếu nhỡ việc làm vẫn còn nhiều.
"Hiện tại, nhiều ngành nghề nhu cầu tuyển dụng sụt giảm về mức 0% như ngành du lịch, nhưng các ngành liên quan đến ứng dụng các giải pháp về công nghệ lại tăng 40 – 50%. Đợt dịch vừa qua là tiền đề để các đơn vị, doanh nghiệp thí điểm ứng dụng các giải pháp về công nghệ để quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, các công việc liên quan đến công nghệ, liên quan đến 4.0 được tuyển dụng nhiều hơn", ông Phạm Văn Hiệu - Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng thông tin.
Cũng theo ông Hiệu, bên cạnh bám sát diễn biến dịch bệnh, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng phối hợp Liên đoàn Lao động, Ban quản lý Khu Kinh tế nắm bắt tình hình việc làm tại các doanh nghiệp, kết nối cung - cầu lao động vừa để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch, vừa để người lao động ổn định việc làm, thu nhập cũng như các chế độ khác.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, trong tháng 4/2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 870 người (giảm 50.08% so với cùng tháng năm 2019); Bốn tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.803 người (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019),. chủ yếu thuộc các ngành: công nghiệp chế biến, vận tải, kho bãi, giáo dục đào tạo... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình để UBND thành phố cấp kinh phí triển khai cho các đối tượng gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh được quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ . |