Nhân rộng mô hình điểm “Lớp học thông minh” ở Tây Hồ
Tây Hồ: Phát huy vai trò của tổ Đảng và từng đảng viên Hà Nội: Gần 98% trường tiểu học triển khai dùng học bạ số Hà Nội: Chính thức thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh |
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, thực hiện Đề án “Chuyển đổi số và xây dựng quận Tây Hồ thông minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”, những năm học qua, ngành Giáo dục Tây Hồ đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng và khá toàn diện.
Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu khai mạc hội nghị. |
Nhiều mô hình chuyển đổi số được các nhà trường ứng dụng hiệu quả - tạo ra môi trường học tập linh hoạt, kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và thiết bị hiện đại như: Phần mềm công nghệ, máy tính bảng điện tử. Qua đó mang lại trải nghiệm học tập mới cho học sinh và giáo viên.
Tiêu biểu trong công tác này là việc triển khai thí điểm mô hình “Lớp học thông minh” tại Trường Tiểu học Chu Văn An. Mô hình được thí điểm trong 2 năm qua đã trở thành một trong các hình thức chuyển đổi số được ứng dụng hiệu quả và phù hợp để nhân rộng, áp dụng đối với các trường học trên địa bàn.
“Lớp học thông minh” là giải pháp giáo dục tích hợp, kết hợp thiết bị máy tính bảng sử dụng cho học sinh tiểu học và nội dung các bài giảng, bài tập ba môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 bám sát khung chương trình mới nhất của Bộ GD&ĐT.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Các bài giảng được chia nhỏ từng đơn vị kiến thức, tách thành nhiều video ngắn và bài tập thực hành được hoạt hình hóa nhằm phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học và linh hoạt trong quá trình giảng dạy cho giáo viên.
Sau khi xem phóng sự báo cáo kết quả 2 năm thí điểm “Lớp học thông minh”, tham luận tại hội nghị, cô Nguyễn Hà Thu, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ: "Để có được kết quả thành công của mô hình, mỗi giáo viên như chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể, tham gia tích cực các buổi tập huấn kỹ thuật, giới thiệu phòng học thông minh tới từng phụ huynh; lựa chọn hoạt động học tập để hướng dẫn học sinh thao tác trên máy.
Cùng với đó, mỗi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy và sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tìm kiếm thông tin".
Các đại biểu dự hội nghị xem video tổng kết chương trình thí điểm |
Tại hội nghị, chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang, phụ huynh em Trương Công Thành, lớp 5A7, Trường Tiểu học Chu Văn An tỏ ra rất hài lòng khi nhà trường được lựa chọn thí điểm triển khai mô hình “Lớp học thông minh”.
Chị Trang cho biết, nhờ được tham gia học tập trong môi trường này, con trai chị rất thích thú và hào hứng mỗi lần học. Cháu cũng biết cách truy cập và sử dụng nguồn thông tin đa dạng một cách hiệu quả, an toàn giúp các em phát triển khả năng phân tích, đánh giá và lựa chọn thông tin chính xác và đáng tin cậy.
Tại hội nghị, các đại biểu tin tưởng rằng việc triển khai và nhân rộng mô hình "Lớp học thông minh" sẽ là giải pháp quan trọng giúp cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.