Nhà văn Y Ban: “Tôi luôn chọn người phụ nữ làm chất liệu trong văn”

Nhà văn Y Ban không chỉ giành nhiều giải thưởng văn chương mà vẫn luôn chiếm lĩnh được trái tim của người đọc...
Cậu Vàng và lão Hạc Kim Lân trong 'Làng Vũ Đại ngày ấy': Chuyện bây giờ mới kể

Gặp gỡ, tiếp chuyện với Y Ban ngoài đời có nét bụi bặm, phong trần, nam tính, thật khác với văn phong của chị. Người phụ nữ sinh năm Tân Sửu (1961) này vẫn tự nhận mình có đặc tính của một con trâu: Cần cù và an phận.

Nhà văn Y Ban
Nhà văn Y Ban

Ngay khi xuất hiện trên văn đàn năm 1989, nhà văn Y Ban đã tạo được dấu ấn bằng Giải Nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho 2 truyện ngắn "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ" và "Chuyện một người đàn bà" mà còn gây xôn xao dư luận bởi cách viết mới lạ và góc nhìn hiện thực rất mãnh liệt.

Sau khi 2 truyện ngắn giành giải thưởng cùng hiệu ứng của dư luận, Y Ban quyết định theo đuổi nghiệp văn. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, chị đã lựa chọn đề tài về phụ nữ, với cái nhìn hiện thực mạnh mẽ. Những tác phẩm sau này của chị vẫn chung âm hưởng ấy.

-	Nhà văn Y Ban (ảnh chụp tại Paris, Pháp)
- Nhà văn Y Ban (ảnh chụp tại Paris, Pháp)

Y Ban cho rằng, với các nhà văn, thường tác phẩm đầu tiên đã định hình phong cách viết, con đường đi và tinh hoa của tuổi trẻ dường như nằm ở đó, còn về sau, chỉ là kinh nghiệm, chín chắn hơn và chủ yếu sử dụng câu chữ, kĩ thuật, chứ năng lượng, sự lấp lánh mất dần, sự gắn kết, sức sống, sức lan tỏa cũng yếu hơn.

Đọc những tác phẩm của Y Ban thấy toát lên sự trỗi dậy mãnh liệt của người phụ nữ, tựa như một “cuộc cách mạng về bình đẳng giới”. Năm 2006, chị cho xuất bản cuốn I am đàn bà, trong đó có truyện ngắn cùng tên mang nội dung bày tỏ những khao khát về tình dục của phụ nữ. Truyện ngắn gây được sự chú ý của nhiều người và được xét trao Giải nhì cuộc thi truyện ngắn năm 2006 trên báo Văn nghệ.

Tiếc rằng, tháng 3/2007, cơ quan chức năng đã ra thông báo thu hồi quyển sách này nhưng không kèm một lí do nào. Dù gì thì truyện ngắn ấy cũng đã được có trong giá sách của nhiều độc giả, họ đón nhận và thích thú với nó. “Có lẽ, với cách bứt phá mạnh mẽ như chính thông điệp của cuốn sách nên nó chưa phù hợp với văn hóa Á đông vốn có tiếng là nhạy cảm về những vấn đề liên quan đến tình dục…”, Y Ban chia sẻ.

Trong truyện “Ơi những chú ngựa bất kham” có đoạn: “Con trai ơi, dù con có là người thế nào mẹ cũng luôn yêu con. Lúc nào mẹ cũng mong con quay về, là một người lương thiện và chăm chỉ lao động”. Y Ban tâm sự: “Ngày trước, đàn bà "xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Cả đời họ chỉ quanh quẩn với hai chữ chồng con. Thời hiện đại này vẫn vậy. Họ vào đại học và phấn đấu cho bản thân trong sự nghiệp để làm chủ cuộc sống của mình. Họ có thể không chồng nhưng vẫn muốn có con. Khi sinh con, người mẹ hiện đại hay truyền thống, thậm chí cố hủ chăng nữa đều mong muốn đứa trẻ của mình là người lương thiện, chăm chỉ lao động. Đó cũng là một trong những thông điệp của cuốn sách này”.

Văn của Y Ban không màu mè, bay bướm mà nó được khắc họa bằng những chất liệu hết sức đời thường. Chỉ riêng cái tiêu đề của truyện ngắn“Gái góa là gái góa ơi” cũng đã nói lên được phần nào về tính thực tế xã hội. Người ta thường bảo nhà văn có hai loại: Một là sống rồi mới viết, hai là viết bằng sự tưởng tượng. Nếu ứng với sự phân chia đó thì Y Ban tự nhận mình thuộc loại một - sống rồi mới viết. Đôi khi nhà văn thường hư cấu và tưởng tượng ra những thứ không có trong cuộc sống nhưng những điều Y Ban viết lại là sự thật, chúng ta vẫn đang chứng kiến hàng ngày.

Y Ban bày tỏ: “Tôi là đàn bà nên dễ dàng khai thác tâm lí của phái mình. Thời tôi làm giảng viên tại trường CĐ Y tế Nam Định và trường ĐH Y Khoa Thái Bình, tôi khá nhàn rỗi vì một năm, chỉ dạy có 80 tiết. Ngoài công tác Đoàn, tôi thường lên thư viện vì rất thích đọc sách. Tôi thấy rằng, nếu viết văn chỉ như những cuốn tôi đọc thì chả có gì khó, tôi cũng viết được và tôi muốn thử sức. Tôi đã lựa chọn nhân vật chính cho “Chuyện một người đàn bà” từ một nguyên mẫu là ở khu tập thể của gia đình tôi sống khi đó, có cô Tú, một người đàn bà ở vậy, không lấy chồng. Tôi nhìn cô ấy lủi thủi đan len, vo gạo và thấy hằn rõ dấu ấn cuộc sống của một người đàn bà cô đơn. Những điều đó ấn tượng trong tôi rồi đi vào trang viết…”

“Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” - giải thưởng đầu tiên của Y Ban ra đời trong một sự ngẫu nhiên bi hài. Y Ban kể: “Khu nhà tập thể nơi tôi ở đã cho tôi rất nhiều dữ liệu và những điều đó cứ trở đi trở lại trong sáng tác. Có lần, tôi đi học về, em tôi kể, con bé hàng xóm 16 tuổi đã có thai. Tôi ngạc nhiên vì vừa nhìn thấy nó chiều qua còn ngồi bắn bi, vậy mà… Hóa ra, cô bé bị cưỡng hiếp và có thai… Chuyện ấy ám ảnh tôi và là nguyên cớ để “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” ra đời…”

Dưới góc độ của người có những thành công nhất định trong nghiệp cầm bút, Y Ban nhắn nhủ với những người viết trẻ: “Tôi cho rằng, viết văn, mỗi người phải tự rút ra kinh nghiệm, tự cảm thấy mình mang sứ mệnh đó và tự tin vào điều mình chọn. Điều đáng nói là nhiều người viết trẻ bây giờ quá tự tin, việc xuất bản lại xô bồ, rồi thêm một số nhà văn lớn tuổi tung hô, nên nhiều “tác phẩm” ra đời quá dễ dàng. Những điều mà người khác viết được, mình không viết được thì nên ngả mũ chào và sung sướng nhưng lớp trẻ bây giờ không có điều đó. Thậm chí, chưa đọc đã chăm chăm bắt lỗi. Ra đời hơn 20 đầu sách nhưng tôi vẫn thấy mình không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Không bao giờ tôi bắt mình phải viết đủ bao nhiêu chữ mỗi ngày”.

Với nhiều bạn đọc, họ có thể thích hai truyện ngắn “đình đám” vì đã làm nên thương hiệu Y Ban là Bức thư gửi mẹ Âu CơI am Đàn bà. Nhưng bạn đọc đừng bỏ qua “Cái Tý” nhé, truyện ngắn này đã được dịch ra tiếng Nhật từ cách đây rất lâu. Và tại sao không thích Jo, Chú Ngoẹo, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ.. Bởi khi đọc những truyện ngắn đó sẽ bắt gặp một Y Ban rất khác…

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động