Nhà nước nên nghiên cứu, hỗ trợ mức phí đổi biển số xe màu vàng
Xe taxi hay xe chạy ứng dụng Grab, Be phải chuyển đổi biển kiểm soát từ màu trắng sang màu vàng theo Thông tư mới của Bộ Công an. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Liên quan đến việc xe ôtô kinh doanh vận tải bắt buộc phải đổi sang biển số màu vàng, đại diện Hiệp hội Vận tải và đơn vị kinh doanh vận tải bày tỏ sự ủng hộ để dễ nhận diện loại hình kinh doanh này đồng thời kiến nghị Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét đơn giản hóa các thủ tục đổi biển số cùng mức chi phí hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.
Theo ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, đổi biển số ôtô kinh doanh vận tải là một sự tiến bộ của xã hội, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều năm qua, tạo sự công bằng cho hoạt động kinh doanh vận tải. Người kinh doanh dùng phương tiện kinh doanh, mua xe để hợp tác kinh doanh hay mua xe để sử dụng cá nhân được phân biệt một cách rõ ràng.
“Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải hành khách, Tập đoàn Mai Linh sẵn sàng xung phong áp dụng Thông tư 58/2020 đầu tiên và làm càng sớm càng tốt để khách hàng, người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở góc độ minh bạch, công bằng và có trách nhiệm với xã hội. Hình ảnh giữa xe cá nhân và xe kinh doanh cũng được phân biệt rõ ràng hơn,” ông Huy nhấn mạnh.
Về chi phí đề xuất thay đổi biển số vào khoảng 150.000 đồng/xe, ông Huy cho rằng cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu xe ôtô kinh doanh vận tải, nếu tính ra tổng chi phí đổi biển số chỉ khoảng vài trăm tỷ. Tuy nhiên về lâu dài, Nhà nước sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét đơn giản hóa các thủ tục đổi biển số cùng mức chi phí hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết việc xe ôtô kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số màu vàng để phân biệt với ôtô không kinh doanh vận tải phải xem xét toàn diện cơ sở pháp lý và thực tiễn. Hiện trên thế giới cũng có nhiều nước quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải như Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Lý giải rõ hơn, ông Hùng nhìn nhận: Hiện nay, những xe ôtô tham gia kinh doanh vận tải như taxi, xe từ 4-7 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ gọi xe kiểu Grab hay loại xe limousine cũng có biển số như xe cá nhân… Những xe này chạy trên đường rất khó phân biệt và quản lý. Vì thế, nhiều tuyến đường cấm xe taxi, xe Grab hoạt động, nhưng những xe này vẫn đi vào mà lực lượng chức năng không phát hiện được.
“Mặt khác, lâu nay có rất nhiều xe ôtô kinh doanh vận tải hoạt động trá hình kiểu ‘xe dù’, ‘bến cóc’ nhằm trốn tránh các loại thuế, phí và tùy tiện đi vào khu vực không được phép hoạt động mà không phát hiện và quản lý được, dẫn đến gây mất trật tự vận tải, nguy cơ mất an toàn giao thông và thất thu thuế đồng thời cạnh tranh không lành mạnh với các xe ôtô kinh doanh vận tải làm ăn chân chính…,” ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, khi xe ôtô kinh doanh vận tải mang biển số khác màu thì người điều khiển xe sẽ có ý thức tốt hơn, không thể tự ý đi vào các tuyến đường cấm, không tùy tiện dừng đón trả khách không đúng nơi quy định. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dễ dàng nhận diện để hướng dẫn, điều tiết giao thông cũng như xử lý các vi phạm (nếu có). Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phân định luồng tuyến hoạt động thuận lợi; hạn chế được nạn “xe dù”, “bến cóc”, xe kinh doanh vận tải hoạt động trá hình nhằm trốn các loại thuế, phí và tùy tiện vào những khu vực cấm để đón, trả khách…
Thừa nhận việc thực hiện đổi màu biển số xe ôtô kinh doanh vận tải tuy có gây một chút tốn kém (khoảng 150.000 đồng/xe), ông Hùng đưa ra chính kiến nếu vì trật tự văn minh chung của ngành vận tải và toàn xã hội thì chi phí đó cũng không đáng kể.
“Việc quy định màu sắc biển số của xe kinh doanh vận tải để dễ dàng phân biệt và thuận tiện trong quản lý là rất cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần giải thích rõ cho người dân hiểu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ xe đổi biển số. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ chi phí đổi biển số trong thời gian đầu để các doanh nghiệp có nhiều xe kinh doanh vận tải bớt khó khăn và tự giác thực hiện,” vị Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, với việc triển khai Thông tư 58 của Bộ Công an, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã có đề nghị từ rất lâu song quá trình thực hiện có nhiều ý kiến cả đồng thuận và trái chiều trong việc phân định giữa xe kinh doanh và không kinh doanh.
“Tại các nước đều phân định rõ các loại hình hoạt động của phương tiện, xe nào đăng ký kinh doanh mới được phép kinh doanh. Hiện các loại hình kinh doanh vận tải nước ta đều chung một biển trắng nên không biệt được, do đó việc gắn biển vàng nhằm xác định và nhận diện rõ xe kinh doanh. Sau khi gắn biển theo quy định, sẽ bắt buộc tất cả các xe kinh doanh phải lắp thiết bị giám sát hành trình,” ông Hùng cho hay.
Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, tại điểm đ, khoản 6, điều 25 của Thông tư quy định ôtô kinh doanh vận tải bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải… phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen kể từ ngày 1/8/2020. Với các xe đã cấp biển trắng và đang hoạt động sẽ buộc phải chuyển sang biển vàng, hạn cuối vào ngày 31/12/2021. Tiếp thu ý kiến của người dân, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho phép phương tiện kinh doanh vận tải được chọn giữ nguyên số khi đổi sang biển vàng nhằm tránh phát sinh các thủ tục liên quan. Trường hợp nếu đổi sang bộ số mới sẽ có biển và đăng ký xe ngay khi hồ sơ hợp lệ. |