Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể dừng sản xuất vì dịch Covid-19

Có một số thời điểm, lượng tồn kho xăng ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất với mức trên 90% và buộc phải gửi hàng đến các kho chứa khác nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành an toàn.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kéo tụt GRDP của Quảng Ngãi Lọc dầu Dung Quất sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô từ Mỹ

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) vừa thông báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ xăng dầu gặp khó khăn do tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, BSR cho biết tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30%-40% so với cùng kỳ các năm. Các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đều phải giảm công suất.

Đặc biệt, tại một số thời điểm, lượng tồn kho xăng ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất với mức trên 90% và buộc phải gửi hàng đến các kho chứa khác nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành an toàn. Điều này dẫn đến phát sinh tăng chi phí, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

nha may loc dau dung quat co the dung san xuat vi dich covid 19
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR.

Theo BSR, thực hiện theo yêu cầu cách ly toàn xã hội, dự kiến xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4 và khó khăn tiếp tục đè trên vai những nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh phân phối xăng dầu.

Trên cơ sở đó, BSR đang xem xét phương án, nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa, BSR sẽ dừng vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất một thời gian cho tới khi thị trường hồi phục.

Ngoài ra, BSR kiến nghị cần hạn chế tối đa hoặc tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, triển khai mạnh các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, thực hiện các hỗ trợ tài chính như hỗ trợ giải ngân các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế.

Trong một diễn biến khác, theo kế hoạch từ ngày 12/6 - 1/8/2020, BSR sẽ thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đơn vị này đang cân nhắc nhiều kịch bản cho lần bảo dưỡng tổng thể này.

Theo BSR, khối lượng công việc bảo dưỡng tổng thể lớn, tiến hành trong khoảng thời gian ngắn với yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt, nên bất kỳ nhà máy lọc dầu nào trên thế giới, cũng đều phải đấu thầu quốc tế với sự tham gia sâu rộng của các nhà thầu bảo dưỡng chuyên nghiệp trên thế giới.

Trong 7 gói thầu chính, có 4 gói thầu có sự tham gia liên danh của các nhà thầu nước ngoài như DONG IL (Hàn Quốc), NEWWIN (Malaysia), HDS (Thái Lan). Những nhà thầu bảo dưỡng này có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện bảo dưỡng tổng thể cho các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á, với đội ngũ nhân sự chất lượng cao.

Đại diện BSR cho biết, bảo dưỡng tổng thể lần 4, có đến 65% khối lượng công việc do các nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm, 35% do các nhà thầu nước ngoài. Tuy khối lượng công việc do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm không nhiều bằng các nhà thầu Việt Nam nhưng đó lại là phần công việc vô cùng quan trọng. Họ phải thực hiện thay thế, sửa chữa một số hạng mục liên quan đến các phân xưởng chính của Nhà máy như phân xưởng RFCC, CDU, CCR.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với công tác bảo dưỡng tổng thể lần này là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Theo đó, công tác huy động nhân lực, chuyên gia từ các nước như Ý, Đức, Pháp, Anh, Nhật... của các nhà thầu đang gặp vô vàn khó khăn do lệnh phong tỏa, cấm nhập cảnh trong thời kỳ dịch bệnh. Công tác mua sắm, giao nhận các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác bảo dưỡng tổng thể chủ yếu đến từ các nước G7 nên cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại các quốc gia này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động