Nhà cổ hơn 200 tuổi ở Đà Nẵng kêu cứu
Phần mái ngói nhà cổ hơn 200 tuổi của bà Ông Thị Mãn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang bị bong tróc (Ảnh: V.Q) |
Gần 40 nhà cổ có tuổi đời hàng hàng trăm năm, thậm chí hơn 200 năm tuổi tại Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang bị xuống cấp nặng nề nhưng chính quyền lại chưa có phương án trùng tu.
Vừa ở vừa run
Những ngày đầu tháng 10, phóng viên có dịp trở lại ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm của bà Ông Thị Mãn (91 tuổi, ngụ thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh xập xệ của phần mái ngói đang bị bong tróc và dột sau những trận mưa.
Phần tường nhà cổ bị bong tróc và lòi cả tường gạch (Ảnh: V.Q) |
“Mỗi lần nước mưa chảy xuống là phần gỗ nâng đỡ mái ngói bị ngấm nước gây hư hại. Dần dần, phần đòn đông, đòn tây cũng bị nước mưa làm mục dần vào trong khiến ngôi nhà trở nên lung lay mỗi khi có gió lớn” – bà Mãn lo lắng.
Hiện toàn bộ hệ thống các trụ gỗ để nâng đỡ ngôi nhà đều trong tình trạng bị nghiêng do mất dần khả năng liên kết với các cấu kiện gỗ còn lại. Hầu hết phần gỗ để nâng đỡ mái nhà được lợp bằng ngói âm dương đều bị mục, bể gây dột khiến bà Mãn phải chật vật với việc sinh hoạt bên trong. Phần vôi được tô vào tường gạch phía ngoài ngôi nhà cũng đang trong tình trạng bị bong tróc.
Bà Mãn vừa ở vừa run trong ngôi nhà đã hơn 6 thế hệ trú ngụ (Ảnh: V.Q) |
Vào năm 2000, một phần mảng tường gạch bên trái ngôi nhà bị sụp đổ do được xây dựng quá lâu. Bà Mãn cùng con trai phải nhờ hàng xóm góp tiền để mua xi măng, cát về xây tạm nhằm cố giữ lại ngôi nhà cổ cho đến tận hôm nay.
“Bản thân nay đã già, con cái nay đi làm và ra ở riêng. Giờ chỉ mong Nhà nước sớm quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa lại ngôi nhà càng sớm chừng nào hay chừng đó. Mỗi lúc mưa gió, ngôi nhà lại lung lay, bản thân phải bỏ chạy sang nhà con trai. Nhiều lúc nghĩ mà buồn vì ngôi nhà trước đây từng là nơi nuôi cơm cho nhiều cán bộ hoạt động cách mạng khi còn chiến tranh” – bà Mãn nói.
Bị biến dạng nặng
Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong). Ngôi nhà cổ có vóc dáng hình chữ nhật này có tuổi đời trên dưới 200 năm, đến nay đã trải qua hơn sáu đời con cháu thay phiên gìn giữ.
Vừa đưa chúng tôi dạo quanh một vòng, ông Thanh không giấu khỏi niềm vui khi khẳng định một câu chắc nịch: “Dù đi hết đất Hoà Vang này thì khó ai có thể tìm thấy ngôi nhà cổ nào đẹp như ngôi nhà mà gia đình tôi đang ở”.
Cổng dẫn vào ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh, xã Hòa Phong (Ảnh: V.Q) |
Do toàn bộ phần tường nhà làm bằng vôi, gạch và được trang trí hoa văn tinh xảo trên các vách ngăn tường với cửa sổ phía trước khiếm ngôi nhà trở nên cách điệu, nổi bật. Bên trong, hệ thống đòn đông, đòn tây được sắp xếp tỉ mỉ giúp nâng đỡ phần mái ngói âm dương che chắn cho ngôi nhà. Nổi bật nhất là bộ cửa chính ba gian Bàn Khoa được làm bằng gỗ mít khiến bất cứ ai đến thăm cũng phải trầm trồ về độ tinh xảo cũng như độ bền theo thời gian.
Thế nhưng, toàn bộ 16 trụ gỗ được đặt bên trong có tác dụng chống đỡ cho toàn bộ ngôi nhà đang có dấu hiệu xuống cấp và hư hại do bị mối mọt ăn, cộng với việc nước mưa thấm dần vào gỗ gây mục rỗng ở hai đầu.
Ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh được phóng viên chụp lại vào đầu tháng 1/2018 (Ảnh: V.Q) |
Cụ Nguyễn Thị Tri (SN 1939, mẹ của ông Thi Lý Thanh), kể: “Nhìn ngôi nhà từ phía ngoài thì thấy đẹp nhưng bên trong thì nhiều cấu kiện gỗ đang hư hại một cách nhanh chóng. Gia đình hiện rất muốn trùng tu nhưng lại không có kinh phí. Lo ngại nhất là nếu đã sửa chữa rồi thì sợ ngôi nhà của tổ tiên bị biến dạng, không còn giữ được hồn cốt như vốn có cách đây mấy trăm năm”.
Để ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến dù đang bị xuống cấp, hư hại, ông Thanh tự tìm cách tôn tạo lại các mảnh vườn xung quanh ngôi nhà cổ, làm thêm hệ thống đường dẫn vào nhà lẫn xây mới hẳn một ngôi nhà chờ nhỏ bằng gạch để khách khi đến nhà cổ thăm quan có thể dừng chân, nghỉ ngơi. Đối với các cấu kiện gỗ bên trong ngôi nhà đang xuống cấp nhưng không có kinh phí trùng tu, ông Thanh cùng gia đình chỉ sửa chữa tạm.
“Nhiều lúc, các mảng tường trước nhà được tô bằng vôi bị sứt mẻ, chúng tôi tạm dùng vữa xi măng trám vào. Riêng phần gạch lót do móng nhà bị sụt lún nhiều lần mỗi khi có lũ nên chúng tôi đành tiến hành xạ nền rồi lót gạch men ở phần hiên nhà để dễ ra vào. Chừng vài năm, thấy nhiều đoàn khảo sát tới nhà hỏi thăm, đo đạc, lên kế hoạch trùng tu rồi rời đi nhưng sau đó lại không thấy hồi âm” – ông Thanh kể.
Sẽ làm điểm tham quan cho khách du lịch
Thống kê của Phòng văn hóa thông tin huyện Hòa Vang cho thấy, hiện các ngôi nhà cổ trên địa bàn huyện Hòa Vang tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Phong, Hòa Châu và Hòa Phước, với khoảng 40 trường hợp. Chưa kể nhiều ngôi nhà cổ quy mô nhỏ chưa được cơ quan chức năng tiến hành thống kê, khảo sát, đánh giá một cách nghiêm túc và bài bản.
Trước đó, vào tháng 11/2017, Cục Di sản, thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã lập đoàn khảo sát để về huyện Hòa Vang khảo sát, kiểm đếm số lượng các ngôi nhà cổ đang tồn tại trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.
Dòng sông Túy Loan chảy qua địa bàn xã Hòa Phong (Ảnh: V.Q) |
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hoà Vang cho biết, vào tháng 10 vừa qua, các cấp ban ngành của TP Đà Nẵng đã có cuộc khảo sát và thống kê lại hiện trạng và số lượng các nhà cổ ở địa bàn Hòa Vang. Một cán bộ văn hóa của xã Hòa Phong cho biết, sau cuộc khảo sát lại vừa qua, có khả năng nhiều nhà cổ trên địa bàn sẽ là điểm tham quan cho khách du lịch.
Theo ông Tân, cái khó hiện nay để công nhận nhà cổ là di tích là phía chính quyền địa phương cho rằng ngôi nhà này cổ nhưng đơn vị khảo sát, xem xét thuộc Cục Di sản lại cho rằng chưa đủ tiêu chí để công nhận là di tích hoặc di sản.
"Do chưa được công nhận là di tích nên Nhà nước không thể làm căn cứ để thực hiện việc hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người dân có nhà cổ đang có nguy cơ xuống cấp, hư hại trên địa bàn huyện để trùng tu một cách bài bản và có quy hoạch" - ông Tân thông tin.
Qua trao đổi, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, nếu muốn giữ các ngôi nhà cổ như hiện nay thì người dân – chủ sở hữu những ngôi nhà cổ lẫn chính quyền địa phương rất cần có những dự án phát triển du lịch sinh thái để bao trùm các ngôi nhà cổ hiện có, điển hình như mô hình nhà cổ Thái Lai đang được triển khai thí điểm ở địa bàn xã Hòa Nhơn. Do các ngôi nhà cổ có giá trị văn hóa, kiến trúc nằm rải rác mang tính chất cổ nhưng lại không không mang tính chất quần thể như phố Hội An nên rất khó khăn trong việc đề xuất để công nhận là di tích.
Những nhà cổ đang trong tình trạng xuống cấp, chính quyền huyện mong muốn có được nguồn kinh phí để giúp người dân tự trùng tu, bảo dưỡng nhằm giữ bằng được nhà cổ. "Nhưng có trường hợp, người dân có nguồn kinh phí sửa nhà cổ lại không biết cách thực hiện khiến nhà cổ sau khi sửa chữa bị biến dạng, thậm chí không còn đúng như nhà cổ trước đây do được xây dựng mới y nguyên như những ngôi nhà cấp 4 hiện nay" - ông Dũng cho hay.