Nguy cơ doanh nghiệp phải bán mình cho nước ngoài vì "đói vốn": Thủ tướng chỉ đạo nóng!

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài do "đói vốn".
Mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, rời bỏ thị trường Thanh tra cả ngân hàng và công ty bảo hiểm để đảm bảo lợi ích của người dân Hàng chục doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu

Ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1252/VPCP-KTTH gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý thông tin báo nêu.

Theo đó, vừa qua, Văn phòng Chính phủ nhận được báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về "đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin báo nêu, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.

Nguy cơ doanh nghiệp phải bán mình cho nước ngoài vì
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thực tế, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, nhiều công ty, tập đoàn lớn không thể huy động vốn để triển khai dự án, trả nợ dẫn đến phải bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn ở phía Nam cho biết, hiện nay, ngoài vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản, vấn đề cấp bách nữa là dòng tiền của doanh nghiệp đã cạn kiệt do khó tiếp cập vốn tín dụng ngân hàng, trong khi nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt nên doanh nghiệp không có tiền để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu đã tính tới phương án bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ khác vẫn loay hoay, chật vật với bài toán dòng tiền khi chưa đủ tiếng tăm để nhà đầu tư nước ngoài quan tâm", vị này chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM ngày 18/2, các doanh nghiệp phản ánh cơn khát vốn đang tăng ở một số ngành không chỉ riêng với bất động sản mà cả những ngành như mỹ nghệ chế biến gỗ, ngành vật liệu xây dựng, dệt may... Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn" các doanh nghiệp này.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM kiến nghị chính quyền TP HCM có đề xuất với Chính phủ, bộ ngành khi ban hành nghị định, thông tư thì có tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp để hạn chế việc ban hành các nghị định, thông tư không phù hợp, làm ách tắc trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

"Chúng ta cần hành động ngay để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thể chống chịu được với các cú sốc và còn tránh tình trạng doanh nghiệp Việt bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ", bà này nhấn mạnh.

Cũng theo bà Chi, bản thân các doanh nghiệp không ai muốn bán mình cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần chính sách, có hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để họ yên tâm sản xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), cho biết các doanh nghiệp đang rất “khát vốn” và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư.

Theo ông Hòa, hiện có một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm mạnh, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI).

Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Đặc biệt, riêng trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan, đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước; doanh nghiệp khó khăn, người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội…

Hậu Lộc
Phiên bản di động