Người trẻ quá tải khi phải tăng ca, deadline lúc nửa đêm
Cử tri phản ánh tình trạng mạng xã hội lôi kéo người trẻ chìm đắm vào thế giới ảo Mỗi người trẻ là một “chiến binh” trên không gian mạng Phát huy tính tiên phong, sáng tạo của người trẻ |
Cần được nghỉ ngơi
Bước vào môi trường làm việc mới và còn đúng là lĩnh vực mình yêu thích, Phương Anh (24 tuổi, trợ lý tổng hợp) rất háo hức để làm việc và cống hiến. Cô gái trẻ sẵn sàng đi làm cả chủ nhật, có khi đến 0h mới nghỉ và chỉ cần sếp hoặc khách gọi điện là có mặt.
Dù không được tính tiền OT (tăng ca ngoài giờ), Phương Anh vẫn vui vẻ chấp nhận vì cảm thấy cấp trên tin tưởng mình. Nhưng lâu dần, cô gái 24 tuổi cảm thấy mệt mỏi, thiếu định hướng và không thể cân bằng được cuộc sống.
Không ít người trẻ đang quá tải, kiệt sức khi liên tục phải tăng ca, làm thêm ngoài giờ |
“Vào thời điểm đó, mình làm trợ lý tổng hợp nhưng thiên về nội dung nhưng không thể sinh ra ý tưởng nào. Việc phải làm hơn 8 tiếng là quá tải với tinh thần của mình nên mình quyết định chỉ làm đúng và đủ công việc được giao, sau đó quyết định thôi việc”, Phương Anh nói.
Còn với Thu Hà (25 tuổi, nhân viên truyền thông) thì cho rằng nhiều công ty đang xây dựng JD (bản mô tả công việc) nhưng không hoạt động đúng theo chức năng hoặc chưa sâu sát. Ngoài công việc được phân công khi tuyển dụng, nhân viên phải làm thêm việc và nhiệm vụ được giao không liên quan.
“Người lao động có quyền làm việc đúng, đủ theo mô tả công việc. Nếu tăng thêm, bộ phận quản lý phải thông tin trước. Ngoài công việc, ai cũng cần có thời gian để hồi sức, chăm sóc tinh thần cá nhân. Do đó, mình nghĩ rằng việc từ chối các công việc trái khả năng hay quết định nghỉ việc trong im lặng của nhiều người trẻ không phải biểu hiện của sự lười biếng, mà là nhân sự không đủ động lực để làm việc hoặc không đồng thuận với chính sách nào đó của công ty”, cô nói.
Cô gái 25 tuổi cũng không thích hệ tư tưởng “24/24h là của công việc”. Bởi vậy, thay vì chỉ chú tâm vào giờ giấc, Thu Hà tập trung vào khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc.
Thu Hà sẵn sàng từ chối các công việc trái khả năng |
“Mình thường tách biệt “công việc trong mô tả” là phải hoàn thành trong 8 tiếng và khi không đủ thời gian, mình chấp nhận tăng ca tại công ty hoặc mang về nhà làm. Còn công việc “phát sinh ngoài mô tả”, không thực sự cần thiết, mình sẽ từ chối nếu có thể”, Thu Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, Thu Hà cũng cho biết cô không cổ xúy rằng chỉ làm đủ công việc trong hợp đồng lao động là tốt. Việc làm thêm giờ, trái ngạch cũng là một cơ hội giúp mở rộng kiến thức trong công việc, phát triển nhanh hơn.
Tăng ca... không phải là điều hiển nhiên
Cách đây 6 tháng, Hà Giang (26 tuổi, sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết định nộp đơn và làm việc cho một công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ marketing. Tại đây, cô gái trẻ vào làm lúc 9h, ra về đúng 18h và cảm thấy bất ngờ cũng như khá sốc về việc này.
Đối với cô gái 26 tuổi, những nhân viên văn phòng tại Việt Nam luôn bận rộn, tăng ca được coi là điều hiển nhiên. Thậm chí, khi đã hoàn thành công việc, họ vẫn không dám đứng dậy ra về vì đồng nghiệp vẫn đang làm. Ở công ty hiện tại của cô, việc phải tăng ca khiến sếp bận tâm rất nhiều. Bởi vậy, khối lượng công việc được giao phù hợp, deadline do cả cấp trên và nhân viên cùng thống nhất với nhau.
“Mình quan sát bộ phận khác, nếu khối lượng công việc tăng đột ngột, nhân viên sẵn sàng tăng ca 1 - 2 hôm. Ngay sau đó, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng thêm nhân sự để chấm dứt tình trạng này”, Hà Giang nói.
Theo cô, việc tăng ca liên tục sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Trước đây, cô từng bị rối loạn tiền đình, trầm cảm nhẹ ở tuổi 24. “Khi ấy, việc mình ở lại công ty đến 20h là rất thường xuyên. Thỉnh thoảng, mình sẽ tăng ca đến nửa đêm, thậm chí 2 - 3h sáng. 80% thời gian của năm, mình phải đi làm vào thứ 7, 30% sẽ làm luôn cả chủ nhật. Khi xin nghỉ phép đi du lịch, mình sẽ mang theo laptop để làm việc tại quán cà phê”, Hà Giang nhớ lại.
Đối với Hà Giang, "tăng ca" nên là bất đắc dĩ, chứ không phải điều hiển nhiên |
Cô gái trẻ thừa nhận việc từng không từ chối nhận thêm việc, thậm chí làm ở level cao hơn, vì luôn cố gắng để có được kết quả tốt nhất. Hà Giang cũng nhớ lại một số trường hợp khác cống hiến 10 - 20 năm cho một công ty. Hậu quả nhẹ thì tính tình thay đổi thất thường, cảm xúc lên xuống khó kiểm soát và chỉ tràn trề thất vọng về công việc. Nặng hơn, họ gặp các vấn đề sức khỏe.
Sau khi nghỉ công việc cũ vì quá tải, Hà Giang đã từng phỏng vấn tại doanh nghiệp khác. Câu hỏi cô nhận được từ nhà tuyển dụng là “Em có sẵn sàng tăng ca không?”. Khi cô trả lời “không”, thái độ của họ trở nên rất khó chịu.
Theo Giang, hiện tại, người lao động có khả năng làm việc và lựa chọn tốt hơn, nhất là khi trào lưu startup, freelancer ngày càng phổ biến những năm gần đây. Chưa kể đến thế giới phẳng, chỉ cần biết tiếng Anh, ai cũng có thể bay đến đất nước khác để làm việc. Vì vậy, theo Hà Giang, phía doanh nghiệp cần có những thay đổi về quy trình làm việc hiệu quả, tuyển dụng nhân sự bổ sung để không còn tình trạng “tháo chạy’ khỏi các công ty của những nhân viên trẻ. Đối với cô gái 26 tuổi, việc tăng ca nên là bất đắc dĩ, chứ không phải điều hiển nhiên.