Người chuyển giới sinh con: Ai đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của trẻ?
Thí sinh Mexico đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2020 Hai nữ tiếp viên hàng không chuyển giới đầu tiên của Philippines Hương Giang cùng học trò Chấn Quốc tung MV cảm động 'Mẹ ơi đừng khóc' |
Việc cặp vợ chồng chuyển giới đón con gái đầu lòng đã mang lại hy vọng rất lớn cho cộng đồng trên 300.000 người chuyển giới tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia y tế, trên thực tế, trong cộng đồng người chuyển giới luôn chia thành 2 nhóm: Nhóm chuyển giới toàn phần và nhóm thay đổi một phần (dùng hormone ngoại sinh, không can thiệp bộ phận sinh dục).
Để có thể mang thai, người chuyển giới phải có giới tính sinh học là nữ (giới tính ban đầu là nữ), chưa cắt bỏ buồng trứng và tử cung. Trường hợp bộ phận sinh dục nữ vẫn còn, họ có thể sinh hoạt tình dục bình thường và thụ thai, mang thai tự nhiên.
Về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc kết hôn, sinh con của người chuyển giới, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trường hợp phụ nữ chuyển giới một phần, kết hôn với người khác giới rồi mang thai, sinh con không trái quy định. Bởi về bản chất, giới tính sinh học của họ vẫn là nữ. Khi họ kết hôn với người khác (cũng là người chuyển giới nhưng khác giới) vẫn là sự kết hợp nam và nữ, được pháp luật thừa nhận.
Mặt khác, BLDS 2015 đã cho phép chuyển đổi giới tính. Điều 36 về quyền xác định lại giới tính quy định, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, việc đăng ký lại giới tính được quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014. Theo đó, Sổ hộ tịch sẽ ghi nhận việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Thay đổi quốc tịch; Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính…).
Song theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn nên quá trình thực hiện việc đăng ký lại giới tính cho cá nhân còn nhiều vướng mắc.
Về việc ai là người đứng tên mẹ trên giấy khai sinh trong trường hợp con sinh ra từ người chuyển giới, theo Điều 55 BLDS 2015, mọi người khi sinh ra đều có quyền được khai sinh, không phân biệt sinh trong giá thú hoặc ngoài giá thú. Họ của trẻ sơ sinh là họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trường hợp không xác định được người cha, thì họ của trẻ sơ sinh là họ của người mẹ.
Khi cha hoặc mẹ của trẻ sinh ra là người chuyển giới sẽ phát sinh 2 trường hợp. Nếu người sinh ra đứa trẻ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý về xác nhận lại giới tính theo Điều 36 BLDS 2015, nghĩa là người sinh ra trẻ mang giới tính nam thì pháp luật hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Còn nếu người sinh ra trẻ chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về xác nhận lại giới tính, nghĩa là trên giấy tờ tùy thân của người này vẫn mang giới tính nữ thì trên giấy khai sinh của trẻ sinh ra sẽ ghi tên người mẹ là người sinh ra trẻ.