Bé 4 tuổi nguy kịch vì biến chứng đái tháo đường

Bệnh nhi P.V.H.A (4 tuổi, trú tại Can Lộc, Hà Tĩnh) có biểu hiện nôn, sốt nhẹ, mệt mỏi, kèm theo sụt cân nhanh (3,5kg/tháng). Bệnh nhi vào viện với tình trạng mệt mỏi, mất nước, rối loạn điện giải và toan hóa máu nặng, đường huyết tăng rất cao.
Tăng cường phòng chống bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường Nguy cơ biến chứng với người bệnh đái tháo đường bị sốt xuất huyết Hiểm hoạ khôn lường từ thuốc đái tháo đường "đội mác" y học cổ truyền

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp nhiễm toan ceton đái tháo đường mức độ nặng, tiên lượng tử vong. Ngay lập tức, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng bù nước, điện giải, kiểm soát đường huyết bằng Insulin, tư vấn gia đình và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có kiểm soát chặt chẽ.

Sau một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện rất tốt, đường huyết đã ổn định và ra viện, hẹn tái khám theo lịch.

Theo ThS.BSNT Đậu Ngọc Hưng, Khoa Nội nhi tổng hợp, nhiễm toan ceton do đái tháo đường xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate.

Trẻ em khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể có các biến chứng nguy hiểm như: shock giảm thể tích do mất nước, hôn mê, phù não, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng bù dịch, Insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ kèm theo.

Sau 1 tuần được các bác sĩ chăm sóc, sức khỏe bệnh nhi P.V.H.A bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường đã ổn định và được xuất viện.
Sau 1 tuần được các bác sĩ chăm sóc, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện (Ảnh: BVCC)

Trẻ hóa đái tháo đường đang là vấn đề đáng lo ngại cho gia đình và xã hội. Việc điều trị đối với trẻ em thường khó khăn do mức độ nhận thức và hợp tác của trẻ. Bác sĩ khuyến cáo nếu các phụ huynh thấy trẻ có triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức vào ngày 14 tháng 11 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này. Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe.

Để hiểu và phòng tránh đái tháo đường, mọi người cần biết các yếu tố nguy cơ chính. Thứ nhất có thể do di truyền: Nếu có người thân trong gia đình mắc đái tháo đường, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.

Thứ hai là thừa cân và béo phì: Mỡ dư thừa, đặc biệt là mỡ bụng, có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Đối với người thừa cân, nguy cơ mắc bệnh có thể cao hơn gấp 10 lần so với người bình thường. Bên cạnh đó, thiếu vận động cũng là một nguyên nhân. Việc không vận động thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, làm tăng nguy cơ đái tháo đường.

Rau có nhiều lợi ích nổi bật, nhất là đối với người bệnh đái tháo đường.
Rau có nhiều lợi ích nổi bật, nhất là đối với người bệnh đái tháo đường

Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Mặt khác, người mắc huyết áp cao hoặc có nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu cao thường có nguy cơ cao hơn mắc đái tháo đường tuýp 2.

Nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 tăng lên khi tuổi tác cao hơn, đặc biệt ở những người trên 45 tuổi. Phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao hơn mắc đái tháo đường tuýp 2 sau này.

Để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau. Thứ nhất, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và tập luyện đều đặn để giữ cân nặng ở mức hợp lý. Thứ hai, tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, giúp giảm nguy cơ đái tháo đường bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và giảm mỡ cơ thể.

Bên cạnh đó nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu chất xơ. Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa.

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp và cholesterol nếu bạn có dấu hiệu bất thường và khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường huyết và các chỉ số sức khỏe liên quan, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao. Nhờ đó, bạn có thể phát hiện bệnh sớm và ngăn ngừa biến chứng.

Tuệ Uyên (tổng hợp)
Phiên bản di động