Nghề đón những cái Tết “không trọn vẹn”

Chúng ta có lẽ không còn xa lạ với sự bận rộn "ngược đời" của ngành du lịch nói chung, hướng dẫn viên nói riêng khi mọi người nghỉ thì mình làm. Tết đến xuân về, khi người người, nhà nhà quây quần bên nhau lại là lúc bắt đầu một mùa làm việc cao điểm với các hướng dẫn viên du lịch…
Tết của những người trẻ hiện đại Vừa hối hả chuẩn bị Tết vừa dồn dập deadline Buồn, vui chuyện khoe thưởng Tết của người trẻ

Khi khách hài lòng, đó mới là “ăn Tết”

Hơn 5 năm trong nghề cũng là hơn 5 năm mà Bùi Văn Phương (26 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, quê ở Nam Định) đón Tết xa nhà vì phải lên đường đưa khách đi du xuân.

Nhắc tới Tết với Phương là nhắc tới cột mốc đáng nhớ bởi tour đầu tiên anh nhận đúng vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 2018 với nhiệm vụ dẫn 30 khách đi tham quan Hà Nội - Sa Pa - Hạ Long - Ninh Bình trong 6 ngày.

Hướng dẫn viên du lịch Bùi Văn Phương
Hướng dẫn viên du lịch Bùi Văn Phương

Thời điểm đó, với một hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi như Phương thì được đi tour du lịch dài ngày như vậy là một điều gì đó khá đặc biệt. Từng đi chơi những điểm trên một lần trước đó, tức đã có trải nghiệm đủ hết mọi thứ, chàng trai trẻ vẫn lo ngại vì tâm thế đi chơi và đi làm hoàn toàn khác nhau.

“Bạn cứ tưởng tượng một người 21 tuổi còn đi học, kinh nghiệm chưa nhiều mà phải đảm nhận công việc tiếp xúc với hơn 30 người, đủ mọi lứa tuổi, thành phần trong chuyến đi 6 ngày 5 đêm thì sẽ như thế nào. Còn nhớ lúc nhận thông tin sẽ đi tour trước đó hơn nửa tháng, mình gần như mất ngủ nguyên thời gian đó. Mình cứ trằn trọc tới 1, 2 giờ sáng mới ngủ được vì lo. Lo vì mình mới ra nghề, chưa có kinh nghiệm nhiều, tour đầu tiên quan trọng trong dịp Tết lại rất đông.

Nhiều người nói làm hướng dẫn viên sướng, được đi đây đi đó nhưng tâm lý giữa việc đi chơi với đi làm hoàn toàn khác nhau. Làm hướng dẫn bạn chỉ cần lơ là một chút thôi là xảy ra chuyện, ảnh hưởng đủ thứ. Do vậy, lúc nào mình cũng phải căng mắt ra quan sát. Cũng sẽ có lúc mình được tận hưởng nhưng rõ ràng là tâm thế sẽ khác so với lúc mình đi chơi. Thực sự khi đi thi đại học mình còn không trăn trở bằng lần đầu tiên lên tour. Tới bây giờ, lâu lâu mình lại nằm mơ thấy cảnh ngày xưa”, Phương nhớ lại.

Đối với Văn Phương, đi tour ngày Tết là công việc không hề dễ dàng
Đối với Văn Phương, đi tour ngày Tết là công việc không hề dễ dàng

Đó là tour đầu tiên, cũng là lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà nên Phương thừa nhận cảm giác nhớ nhà là điều chắc chắn. Nhất là khi lên tour, gia đình người ta ai cũng đi chơi, riêng mình phải đứng nhìn. Từ lúc đó, cảnh phải xách hành trang ra khỏi nhà ngay những ngày đầu năm mới với anh luôn để lại khoảng trống hụt hẫng mà đã "ôm nghiệp vào thân" là phải chấp nhận.

Chấp nhận đánh đổi và “bỏ lỡ”

Thông thường mọi người nghĩ về nghề hướng dẫn được vi vu đây đó, ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà hàng, khách sạn xịn nhưng Phương nói: "Cái thiệt cho người làm du lịch là công việc mở ra cho mình nhiều mối quan hệ khác nhưng đồng thời góp phần kết thúc các mối quan hệ cũ luôn".

Anh chia sẻ vui, bản thân hay bị mang tiếng là “lươn” bởi cứ lên lịch hẹn hò với đám bạn thì công ty lại phân tour trùng ngày nên phải “chào chúng mày, tao đi làm đây". Nếu bạn bè thân biết mình làm nghề này thì sẽ hiểu và không trách. Khi nào rảnh thì hẹn nhau cafe, không rảnh cũng đành chịu", Phương cười nói.

Còn với Văn Toàn (25 tuổi), anh cho rằng một điều nữa có thể sẽ khiến nhiều bạn trẻ phải lăn tăn khi chọn theo học nghề này. Đó là có một thống kê vui rằng, hướng dẫn viên là một trong 10 nghề nghiệp dễ bị "ế" nhất. Nếu may mắn sẽ kiếm được người yêu, bạn đời thật sự thông cảm cho nghề nghiệp của mình, còn không thì cuộc sống gia đình sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Hướng dẫn viên du lịch Văn Toàn
Hướng dẫn viên du lịch Văn Toàn

Câu chuyện "mẹ chồng - nàng dâu" chưa bao giờ nguội lạnh thì cái nghề "làm dâu trăm họ" như hướng dẫn viên du lịch làm sao luôn đảm bảo được sự hài lòng đối với khách hàng lúc nào cũng nóng. Văn Toàn chia sẻ không ít trường hợp hướng dẫn viên đang có đám hiếu ở quê nhà mà trên tour nụ cười luôn phải thường trực. Điều đó quả thực là ám ảnh nhưng nó cho thấy mức độ chuyên nghiệp cần phải có đối với người làm dịch vụ.

Không chỉ chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, bản thân người hướng dẫn viên còn nổi tiếng đa tài, liên tục trau dồi thêm nhiều kỹ năng. Tựu chung lại cũng vì mục đích phục vụ khách hàng tốt hơn. Với Văn Toàn, ngoài khả năng nói được tiếng Anh, chàng trai trẻ còn biết thổi sáo, chơi đàn ghi-ta để tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong suốt quá trình đưa đoàn đi du lịch.

"Công việc của mình cần phải cải tiến hằng ngày để làm hài lòng khách hàng. Như công việc hướng dẫn ngày xưa đi không cần phải chụp hình, sau này thì phải kiêm hết và phải làm thật tốt", Toàn nói.

Đi tour ngày thường đã khó, đi tour ngày Tết vất vả hơn gấp nhiều lần, do các điểm du lịch đông đúc, dịch vụ quá tải, tắc đường... và hướng dẫn viên luôn phải sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh.

“Ngày Tết, tắc 2 - 3 tiếng trên đường cao tốc, máy bay delay hay khách đi lạc là chuyện thường. Có những lần, mình phải nhờ bác tài hỗ trợ để mình chạy ngược xuôi mấy tiếng đồng hồ tìm một vị khách lạc vì mải chụp hình, bỏ lỡ đoàn”, Toàn nhớ lại.

Với Văn Toàn, đi tour ngày Tết sẽ phải đánh đổi và bỏ lỡ nhiều thứ
Với Văn Toàn, đi tour ngày Tết sẽ phải đánh đổi và bỏ lỡ nhiều thứ

Không chỉ có nhiệm vụ là người dẫn dường, nhiều khi hướng dẫn viên du lịch còn kiêm vai trò phục vụ bàn, kiểm tra thực đơn, gói ghém nước mắm, ớt tươi cho bữa cơm nơi phương xa của khách luôn ngon miệng. Họ còn cẩn thận chuẩn bị trà gừng, dầu nóng và trong vali là cả một “nhà thuốc di động” để phòng khi trái gió trở trời.

Tuy nhiên, nếu hỏi hướng dẫn viên có muốn bỏ nghề không? Có muốn ở nhà đón xuân an nhiên trong khi đồng nghiệp mình bôn ba trên những nẻo đường xuân không? Câu trả lời của Văn Toàn luôn là không. Bởi với chàng trai trẻ, khi đã trót yêu cái nghiệp "cầm cờ", trót yêu những hành trình, những chuyến đi nay đây, mai đó và trót yêu cả... nụ cười hạnh phúc của du khách trên những dặm đường xa thì anh quyết tâm gắn bó với nghề cho tới khi không thể đi được nữa.

Đằng sau những hào nhoáng mà rất nhiều người lầm tưởng như: "Ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, được đi đây đó", hướng dẫn viên du lịch cũng phải tạm gác nỗi niềm riêng, luôn hoàn thành công việc của một người "truyền cảm hứng", mang đến những chuyến đi và trải nghiệm đáng nhớ với khách hàng. Tour diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, khách vui thì chuyến đi đầu năm mới thành công và hướng dẫn viên mới thực sự được "ăn Tết"…

"Tết" của những người trẻ hiện đại Tết của những người trẻ hiện đại
Vừa hối hả chuẩn bị Tết vừa dồn dập deadline Vừa hối hả chuẩn bị Tết vừa dồn dập deadline
Buồn, vui chuyện khoe thưởng Tết của người trẻ Buồn, vui chuyện khoe thưởng Tết của người trẻ
Trung Đức
Phiên bản di động