Ngành Giáo dục Thủ đô và những dấu ấn tự hào

Tiếp tục dẫn đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi và quốc tế, tiên phong hội nhập quốc tế về giáo dục, đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Toán và khoa học quốc tế IMSO 2019… Đó là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm qua.    
Giáo dục Thủ đô – hành trình 65 năm vinh quang và tự hào Những dấu ấn của giáo dục Thủ đô
nganh giao duc thu do va nhung dau an tu hao
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Khẳng định vị trí đầu tàu cả nước

Năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt khi ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô kỷ niệm tròn 65 năm xây dựng và phát triển. Ngành Giáo dục thành phố tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cụ thể: Giành 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018; 134 giải quốc gia năm 2019; 21 đề tài đoạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT năm 2019; 48 giải tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế - ITMC 2019 (trong đó có 2 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc, 23 huy chương Đồng)...

Bên cạnh đó, một trong những bước đột phá của ngành là tăng cường hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Ngành Giáo dục thành phố đã nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục, triển khai thực hiện tốt đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng Việt Nam - Anh quốc (chứng chỉ Cambridge) ở 8 trường thuộc cấp THPT và THCS, tiếp tục nghiên cứu mở rộng ở cả ba cấp học.

Cũng trong năm 2019, lần thứ hai ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thành công và giành kết quả cao kì thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) với sự tham dự của hơn 13 đoàn quốc tế. Kỳ thi đã được tổ chức thành công với chất lượng chuyên môn cao. Đoàn học sinh Hà Nội (đại diện Việt Nam) đã xuất sắc giành 3 cúp đồng đội và 23 huy chương cá nhân (6 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và 8 huy chương Đồng).

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tổ chức thành công kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế IMSO 2019. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi này. Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 - 30/11/2019, kỳ thi năm nay hội tụ 719 thí sinh, 293 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Học sinh của Việt Nam đã xuất sắc đoạt 15 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc và 7 huy chương Đồng. Thành tích này vượt trội so với kỳ thi IMSO 2018 (8 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng).

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Tổ chức kỳ thi IMSO 2019, ngoài việc thúc đẩy phong trào học tập, đây còn là cơ hội tốt nhất để chia sẻ và làm phong phú thêm kiến thức của học sinh Thủ đô về Toán học, khoa học và văn hoá. Kỳ thi cũng là dịp để các bạn trẻ thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa có cơ hội tìm hiểu, học hỏi, giao lưu nhằm tăng cường hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, vì lợi ích và thịnh vượng của mỗi quốc gia”.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Năm học 2019 - 2020 là thời điểm kết thúc nhiệm kì 2015 - 2020 của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI. Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục triển khai sâu rộng các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

nganh giao duc thu do va nhung dau an tu hao
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng (ngoài cùng bên phải) tham quan các gian trưng bày sản phẩm ứng dụng CNTT tại Ngày hội CNTT lần thứ IV năm 2018

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, năm 2020, toàn ngành sẽ hoàn thành rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học tầm nhìn đến năm 2030; Nâng cao chất lượng toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh; Mở rộng quy mô giáo dục hợp lý; Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời.

Sở GD& ĐT cũng tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với ngành Giáo dục, sắp xếp lại hệ thống các trường học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục; Phân bổ hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, khuyến khích tính sáng tạo của người học.

Hướng tới thực hiện chương trình sách giáo dục phổ thông mới, Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng việc triển khai; Quan tâm tới giáo dục thể chất để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ; Chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà; Tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT; Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục.

Chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm 2020 - 2021, ngoài tham mưu, đề xuất với Thành phố các giải pháp thì Sở GD&ĐT cũng nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn. Cụ thể như, tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ ở một số địa phương; số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư nhiều công trình trung hạn giai đoạn 2018 – 2020, xây dựng mới 222 dự án trường học với kinh phí 5.519,2 tỷ đồng (gồm 202 dự án trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với kinh phí 4.673,2 tỷ đồng, 20 dự án trường THPT với kinh phí 746 tỷ đồng) nhằm giải quyết tình trạng thiếu trường lớp học trên địa bàn.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, năm 2020, Hà Nội đã có nhiều điều chỉnh trong cách thức và nội dung bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; tăng cường đào tạo bồi dường đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, ông Chử Xuân Dũng cho biết: “Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyêt các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó khăn; Tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiên của một số nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam và triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng chương trình tiếng Anh theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đặc biệt, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đôi với học sinh diện chính sách xã hội, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật”.

Trong năm học 2018 – 2019, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã xây và thành lập mới 70 trường học các cấp, với kinh phí khoảng 4.105 tỷ đồng; khối trực thuộc năm 2018 xây mới và đưa vào sử dụng hai trường THPT, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa 387 trường học các cấp với 2.450 phòng học mới, 2.552 phòng học cải tạo. Tiến hành khảo sát thực trạng 1.270 trường tiểu học và THCS, xác định 3.720 khu nhà vệ sinh cần cải tạo hoặc xây mới với kinh phí dự kiến gần 466 tỷ đồng để xây dựng phương án, lộ trình tổng thể nhằm đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho học sinh.

Nguồn: TTTĐ
Phiên bản di động