Ngành du lịch Việt Nam có khởi đầu tích cực
Hà Nội sẽ khai thác tuyến du lịch đường thuỷ nội địa dọc sông Hồng Du lịch Hà Nội - những dấu ấn đẹp |
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
Sang năm 2024, liên tục trong 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đều đạt hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng, xấp xỉ với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Tổng cục Thống kê nhận định, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm mới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 2,6 triệu lượt người, chiếm 84,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 388,6 nghìn lượt người, chiếm 12,8% và gấp 2,5 lần; bằng đường biển đạt 90,7 nghìn lượt người, chiếm 3% và gấp 7 lần.
Xét theo vùng, lãnh thổ, khách đến từ Châu Á trong 2 tháng đầu năm nay đạt 2.300,3 nghìn lượt người, chiếm 75,6% tổng số khách quốc tế đến nước ta và tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khách đến từ Châu Âu đạt 426,7 nghìn lượt người, chiếm 14% và tăng 76%; khách đến từ châu Mỹ đạt 202 nghìn lượt người, chiếm 6,6% và tăng 8,4%; khách đến từ Châu Úc đạt 105,5 nghìn lượt người, chiếm 3,4% và tăng 36,5%; khách đến từ Châu Phi đạt 9,2 nghìn lượt người, chiếm 0,4% và tăng 112%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người. |
Trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam năm 2023 cũng có những thay đổi so với trước dịch COVID-19.
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, sau đó mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Nga, Anh, Pháp cũng là những nước có số lượt khách đến Việt Nam nằm trong top cao.
Tuy nhiên, đến nay 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.
Theo cơ quan thống kê, kết quả tích cực đạt được từ những tháng cuối năm 2023 đến nay cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như từ sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn khá nhiều so với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 (12,6 triệu lượt người).
Theo Cục Du lịch Quốc gia, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó điều kiện tiên quyết là sự ổn định về chính trị trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú, là tiền đề để chúng ta thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng, đây sẽ là nền tảng vững chắc để ngành du lịch phát triển trong thời gian tới và thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú; tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp để cho ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, chi phí hợp lý.
Do vậy, việc đặt mục tiêu cao kỳ vọng sẽ tạo động lực để du lịch Việt Nam bùng nổ, bứt phá trong thời gian sắp tới nhưng cũng là thách thức để ngành du lịch phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.