Ngân vang tiếng khèn giữa đại ngàn
Yên Bái: Sẵn sàng cho Festival Khèn Mông Yên Bái: Nghệ thuật khèn của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Ngược thời gian…
Đến với các bản Mông ở vùng cao tỉnh Yên Bái, không khó để bắt gặp những người đàn ông đi làm ruộng, nương mà trên vai vẫn vắt vẻo cây khèn. Gần như vào nhà nào cũng có ít nhất một cây khèn, treo ở gian chính giữa của ngôi nhà. Trong những phiên chợ, đặc biệt là ngày lễ, ngày hội của bản làng, đâu cũng có thể gặp hình ảnh chàng trai Mông say sưa trình diễn điệu khèn của dân tộc. Khèn đối với họ giống như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hàng ngày. Trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào, những dịp vui, cả kể lúc buồn, cây khèn cũng gắn bó gần gũi với người Mông, trở thành phương tiện thể hiện tâm tư, tình cảm.
Nghệ nhân Vàng A Lâu ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, kể lại, khèn (tiếng Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai rắn rỏi, tài hoa, hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Người Mông ở các địa phương trong tỉnh Yên Bái vẫn kể cho nhau nghe về sự tích ra đời của cây khèn. Rằng ngày xưa, trong một gia đình, cha mẹ mất sớm để 6 anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha vắng mẹ buồn tẻ, 6 anh em đã nghĩ ra một dụng cụ có 6 lỗ và 6 bộ phận để 6 anh em cùng thổi, xua tan đi cái buồn tẻ thiếu mẹ vắng cha. Ngày ngày, họ đi làm nương rẫy, tối về, quây quần cùng nhau thổi khèn. Tiếng khèn trầm bổng, tha thiết, thu hút sự chú ý của mọi người trong bản nên họ đến chơi rất đông vui. Gia đình không còn buồn như trước nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đón nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 di sản: Nghệ thuật khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, ngày 23/12/2023 |
Huyền thoại chiếc khèn Mông
Rồi một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản. Gia đình 6 anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người phiêu bạt đi nơi khác, tan tác như ong vỡ tổ, còn lại người em út không nhà không cửa, ở với người chú ruột.
Thiếu tiếng khèn của sáu anh em, trong vùng trầm lắng, quạnh hiu hơn nhiều. Vắng 5 người anh, chàng út buồn rầu suy nghĩ, muốn làm thế nào để một người có thể thổi được cả 6 ống ấy. Một buổi sáng, đang cày nương, bỗng nhiên chàng nẩy ý tháo ách thả cho trâu ăn cỏ, rồi vác dao lên rừng đốn cây gỗ xuống, chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn. Rồi chàng chặt trúc, lựa lấy 6 đoạn để làm ống khèn. Hằng ngày, chàng làm mùa liền tay cho kịp thời vụ cùng dân bản.
Khèn là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tinh thần lạc quan yêu đời, tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông |
Chiều chiều, mặt trời xuống núi, chàng út dắt trâu về chuồng nghỉ ngơi, đêm đến lại cặm cụi dùng dao nhọn đẽo gọt bầu khèn, khoét lỗ trên các đoạn trúc, làm thành cái khèn mà một người cùng thổi được 6 ống. Chàng đem ra thổi thử. Lạ thay, cả vùng rừng núi trầm lặng, quạnh hiu bỗng trở nên xôn xao, da diết, gợi nhớ, gợi thương. Dân bản từ khắp nơi trong vùng tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn và cũng để tận mắt chứng kiến chàng trai đã làm ra thứ nhạc cụ độc đáo ấy. Sẵn lòng yêu quê hương, căm thù giặc ngoại xâm, tiếng khèn vang lên đã góp phần cổ vũ tinh thần cho đông đảo người con vùng lên đánh tan giặc ngoại xâm. Giặc tan, tiếng khèn được chàng trai truyền lại cho dân bản, họ cùng nhau nhảy múa, âm vang núi rừng. Từ đó, cây khèn gắn bó với cuộc sống của người Mông.
“Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh. Khèn cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời, tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông”, ông Vàng A Lâu nói.
Niềm tự hào của đồng bào Mông
Có thể nói, điều tạo nên sức sống của khèn chính là nghệ thuật này bắt nguồn từ lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào Mông, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.
Mới đây, tỉnh Yên Bái đã tổ chức đón nhận chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 di sản: Nghệ thuật khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản, những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản mà còn niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông ở 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn nói riêng và các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung.
Các đại biểu và đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham dự Festival khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023 |
Theo khảo sát của tỉnh Yên Bái, hiện trên toàn tỉnh có 21 người thuần thục việc chế tác khèn, trong đó, huyện Mù Cang Chải có 18 người ở các xã: Lao Chải, Khao Mang, Mồ Dề, Púng Luông, La Pán Tẩn, Cao Phạ, Nậm Có; huyện Trạm Tấu có 3 người ở các xã: Bản Mù, Trạm Tấu. Các xã Suối Giàng, Suối Bu (huyện Văn Chấn) chỉ có người sửa chữa khi khèn bị hỏng, không có người chế tác mà cộng đồng mua khèn từ huyện Mù Cang Chải chuyển về sử dụng.
Để khèn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo…
Xác định khèn Mông không chỉ là di sản mà còn là “tài sản”, hằng năm, các địa phương trong tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều chương trình, sự kiện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động mừng Đảng, mừng xuân hằng năm; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động du lịch vào "mùa vàng", "mùa nước đổ", "lễ hội hoa tớ dày"… đều không thể thiếu trình diễn nghệ thuật khèn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật khèn của người Mông khá hiệu quả. Cụ thể, năm 2023, huyện Mù Cang Chải (nơi có tới 91% số dân là đồng bào Mông sinh sống) đã thành lập được 14 đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở tất cả các xã trên; huyện Trạm Tấu đã thành lập được 8 đội văn nghệ ở 8/10 xã có số đông người Mông sinh sống; huyện Văn Chấn có đội văn nghệ dân tộc Mông xã Suối Giàng. Tất cả các đội văn nghệ này đều có thể trình diễn nghệ thuật khèn với nhiều bài khèn, nhiều động tác khác nhau.
Trưởng phòng Văn hóa huyện Trạm Tấu Dương Phương Thảo cho biết, huyện đã khôi phục lại nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc. Xã Bản Mù đã tổ chức các buổi học làm khèn và thổi khèn do các nghệ nhân truyền dạy cho các bạn trẻ. Đặc biệt, huyện Trạm Tấu có kế hoạch gắn những nét đẹp văn hóa dân tộc độc đáo mang tính bản sắc với việc phát triển du lịch, vừa để giữ gìn văn hóa, vừa để thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế.
Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông |
Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cũng đều có các chương trình dạy và học khèn trong các giờ ra chơi, ngoại khóa thay vì tập thể dục như bình thường; có đội văn nghệ trình diễn được các điệu khèn cơ bản, góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn, đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và quảng bá với du khách.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho hay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh để di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững như: Đề án giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, giai đoạn 2013 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022 - 2025…
Một mùa xuân nữa lại về với đồng bào dân tộc Mông. Điệu khèn khi trầm, khi bổng, khi nỉ non, dặt dìu, réo rắt lại hòa quyện trong tiếng suối reo, trong sắc xuân của đất trời Tây Bắc. Với những chính sách bảo tồn, phát huy và trao truyền di sản trong cộng đồng, tin rằng, thứ âm thanh kỳ diệu của núi làm mê hoặc lòng người ấy rồi đây sẽ trở thành sợi dây níu bước bất cứ ai đặt chân lên đại ngàn Yên Bái.