Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng giải pháp tín dụng cho bất động sản
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng vào trái phiếu, chứng khoán Ngân hàng Nhà nước luôn có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho các nhà băng |
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ tổ chức các diễn đàn về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để đóng băng.
Là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV) |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổ công tác cũng nhận thấy các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm của mình và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự có giải pháp. Sau khi kết thúc tổ công tác sẽ tổng kết đánh giá báo cáo Chính phủ và có giải pháp trước mắt về tín dụng cho thị trường bất động sản.
Ông Tú cũng cho biết, sau công điện của Chính phủ về vấn đề tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tối đa 16%.
"Chúng tôi cũng đã tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các hiệp hội đang vận động hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản", ông Tú nói.
Phó Thống đốc cho biết, tín dụng tăng trưởng khoảng 13%, trong khi huy động tăng khoảng 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ chính trị lớn nhất.
Trên tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cũng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...