Ngân hàng Nhà nước rời lịch đấu thầu 16.000 lượng vàng miếng

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, Ngân hàng Nhà nước quyết định hoãn đấu thầu vàng miếng vào sáng 22/4 và sẽ triển khai vào 10h sáng thứ Ba, ngày 23/4.
Chuyên gia nói gì về giải pháp hạ nhiệt thị trường vàng? Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo đấu thầu 16.800 lượng vàng

Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rộng rãi việc đấu thầu bán vàng miếng và thông báo trực tiếp đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để tham giá đấu thầu vàng. Dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào 10h sáng thứ Hai, 22/4.

Tuy nhiên, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu này.

Để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, NHNN sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h sáng thứ Ba, 23/4 và đã thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày thứ Hai.

Theo thông báo trước đó, khối lượng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng, mỗi lô giao dịch 100 lượng và tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng mỗi lượng và bước giá 10.000 đồng.

Tại buổi họp báo sáng 19/4, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước rời lịch đấu thầu 16.000 lượng vàng miếng
Ảnh minh họa.

Về chính sách với thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình, báo cáo Thủ tướng về tổng kết Nghị định 24.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ, ngành và giải trình về chủ trương nên sửa đổi, đánh giá mặt tích cực của Nghị định 24 và kiến nghị sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

"Việc sửa đổi sẽ tập trung vào việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, chứ không phải chỉ có vàng miếng SJC", ông Đào Xuân Tuấn chia sẻ.

Về tăng cung vàng miếng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và cũng có quy định về sản xuất và nhập khẩu vàng.

"Với doanh nghiệp có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện và không có vướng mắc gì", ông Tuấn nêu thực tế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng miếng cũng là một trong những giải pháp tăng cung cho thị trường nhằm hạ nhiệt kịp thời, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn chứ chưa phải là giải pháp căn cơ.

Theo ông Huy, giải pháp dài hạn là cần phải sửa đổi Nghị định 24, trong đó có việc Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC; cần có những giải pháp đồng bộ để giá vàng trong nước nước liên thông với thế giới, giúp giá vàng vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, cần có chính sách nhập khẩu vàng phù hợp với khả năng dữ trự ngoại hối và mục tiêu điều hành tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô ở mỗi thời kỳ; truyền thông thường xuyên để người dân, doanh nghiệp xóa bỏ dần tâm lý tích trữ vàng, đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động