Chuyên gia nói gì về giải pháp hạ nhiệt thị trường vàng?
Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo đấu thầu 16.800 lượng vàng Ngân hàng Nhà nước "bật chế độ can thiệp" với tỷ giá, giá vàng |
Tuần qua, giá vàng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, giá vẫn neo cao lên tới 85 triệu đồng/lượng.
Nhằm hạ nhiệt thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ, trong đó có giải pháp là bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tổ chức đấu thầu bán vàng miếng với phiên đấu thầu đầu tiên sẽ được tổ chức vào 10h sáng 22/4 (thứ Hai).
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu trong phiên 22/4 là 16.800 lượng.
Thị trường vàng diễn biến phức tạp trong thời gian qua. |
Tại buổi họp báo sáng 19/4, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng.
Về chính sách với thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình, báo cáo Thủ tướng về tổng kết Nghị định 24.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ, ngành và giải trình về chủ trương nên sửa đổi, đánh giá mặt tích cực của Nghị định 24 và kiến nghị sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
"Việc sửa đổi sẽ tập trung vào việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác, chứ không phải chỉ có vàng miếng SJC", ông Đào Xuân Tuấn chia sẻ.
Về tăng cung vàng miếng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và cũng có quy định về sản xuất và nhập khẩu vàng.
"Với doanh nghiệp có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện và không có vướng mắc gì", ông Tuấn nêu thực tế.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU). |
Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) đã nêu ra nguyên nhân khiến giá vàng "sốt" trong thời gian qua.
Cụ thể, nhu cầu mua vàng của thị trường Ấn độ, Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian dài từ cả người dân và ngân hàng Trung ương; một số ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng mạnh mua vàng để tích trữ vật lý nhằm phòng chống nguy cơ bị áp đặt các biện pháp phong tỏa tài sản ở nước ngoài nếu có biến cố xảy ra.
Đồng thời, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024 sẽ ngừng tăng lãi suất và xem xét có những đợt giảm lãi suất để hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế, tiền sẽ được bơm mạnh vào nền kinh tế sẽ khiến cho giá trị các tài sản có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraina ngày càng căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì xung đột tại các quốc gia ở Trung đông đang nóng dần lên, tiềm ẩn nguy cơ có thêm cuộc chiến tranh trên diện rộng, việc này khiến cho tâm lý mua vàng để trú ẩn rủi ro lại tăng cao đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Theo ông Huy, đối với Việt Nam, tâm lý tích trữ vàng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân qua nhiều thế hệ, thị trường vàng Việt Nam diễn biến cùng chiều với thế giới nên khi có biến động mạnh theo xu hướng tăng thì lại càng kích hoạt tâm lý không ít người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ hay đầu cơ.
CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng miếng cũng là một trong những giải pháp tăng cung cho thị trường nhằm hạ nhiệt kịp thời, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn chứ chưa phải là giải pháp căn cơ.
Theo ông Huy, giải pháp dài hạn là cần phải sửa đổi Nghị định 24, trong đó có việc Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC; cần có những giải pháp đồng bộ để giá vàng trong nước nước liên thông với thế giới, giúp giá vàng vận hành theo nguyên tắc thị trường.
Ngoài ra, cần có chính sách nhập khẩu vàng phù hợp với khả năng dữ trự ngoại hối và mục tiêu điều hành tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô ở mỗi thời kỳ; truyền thông thường xuyên để người dân, doanh nghiệp xóa bỏ dần tâm lý tích trữ vàng, đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.