Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới môi trường kinh doanh
Thống nhất trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng năm 2025 Hơn 20 ngành bị ảnh hưởng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia |
Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.
Đại biểu Trịnh Xuân An ủng hộ tăng thuế thuốc lá để giải quyết vấn đề sức khỏe và môi trường, nhưng đề nghị cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần xem xét các mặt hàng khác như thuốc lào, thuốc lá điện tử.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). |
Cũng liên quan đến mặt hàng thuốc lá, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu, trong đó áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (bao gồm kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối).
Có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao, phấn đấu đạt mục tiêu khuyến cáo của WHO đạt mức tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu hiện nay khoảng hơn 36% lên 75% vào 2030, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên dưới 36%, của chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá 2030.
Đại biểu cho biết, theo số liệu của WHO, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nhóm nghèo có tỷ lệ hút thuốc cao hơn nhóm giàu. Xu hướng này cũng phù hợp với con số hơn 80% người hút thuốc trên thế giới tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh). |
Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.
Theo đại biểu Thúy, trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.
Cũng theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý.
Đại biểu Thúy nêu rõ, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể.
Với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, đại biểu Thúy đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3: cụ thể, mốc năm 2026 là thuế suất 75% và thuế tuyệt đối là 5.000 đồng, tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên Hợp Quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.