Hơn 20 ngành bị ảnh hưởng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại thuốc lá mới Đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt Cần có lộ trình phù hợp khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia |
Đề xuất lùi thời hạn và có lộ trình phù hợp khi tăng thuế
Trong những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách Nhà nước, với trung bình khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng mỗi năm (trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40.000tỷ đồng).
Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, trong đó sản xuất và kinh doanh bia có những đóng góp quan trọng bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo đó, dự thảo Luật Thuế tiêu thu đặc biệt đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất.
Trong đó, phương án 1, tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với bia là 90%.
Đối với phương án 2, dự thảo đề xuất tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với bia là 100%.
Sức chống chịu của doanh nghiệp ngành bia suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. |
Tại Văn bản số 28/VB-VBA ngày 1/7/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027; đồng thời tăng thuế ở mức 5% và với lộ trình tăng 2 năm một lần, đến mức 80% vào năm 2031 (phương án 3).
Các phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động vô cùng lớn tới doanh nghiệp ngành bia. Do đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương), Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam.
Với các kết quả và minh chứng dựa trên dữ liệu chính thống và phương pháp khoa học, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn phương án 3 theo đề xuất của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua, doanh nghiệp ngành bia liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành bia suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn.
Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết quả đo lường tác động kinh tế của các phương án tăng thuế cho thấy, phương án 3 đạt được sự hài hòa hơn về các mục tiêu. Cụ thể, phương án 3 tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức giảm nhẹ hơn so với phương án 1 và phương án 2; đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách để doanh nghiệp thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, và do đó là các vấn đề an sinh xã hội.
Theo tính toán, phương án 1 dẫn tới thiệt hại chung của nền kinh tế là 10.909 tỷ đồng; Phương án 2 làm thiệt hại 14.605 tỷ đồng; và phương án 3 làm giảm 7.053 tỷ đồng. Do đó, xét về hiệu quả kinh tế, phương án 3 ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức thấp nhất.
Một trong những mục tiêu luôn được Quốc hội thảo luận và chú trọng các giải pháp để thực hiện là tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Vì thế, khi tăng thuế nói chung và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia nói riêng cần đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn phương án ít ảnh hưởng tiêu cực nhất tới mục tiêu tăng trưởng.
Kết quả tính toán cho thấy phương án 2 tác động làm giảm tăng trưởng GDP của nền kinh tế ở mức lớn nhất; tiếp đến là phương án 1; và phương án 3 làm giảm tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất.
Đáng chú ý là các đề xuất chính sách cần giảm thiểu tác động tiêu cực tới người lao động và tới an sinh xã hội. Theo tính toán, cả ba phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phương án 3 ít gây tổn thương tới người lao động so với phương án 1 và phương án 2.
Như vậy, việc tăng thuế theo phương án 3 vẫn đảm bảo được tăng thu ngân sách Nhà nước, nhưng gây tác động it tiêu cực hơn tới các ngành trong nền kinh tế. Điều quan trọng là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, đảm bảo mức độ bền vững về thu nhập và an sinh của người lao động.
Đồng thời, việc lựa chọn phương án 3 với thời điểm áp dụng muộn hơn (từ năm 2027) và với lộ trình 2 năm, mỗi năm tăng 5% để đến năm 2031 đạt 80% sẽ giúp doanh nghiệp có đủ thời gian để dự liệu, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nhờ vậy chủ động thích ứng với thị trường và tránh được sự suy giảm nghiêm trọng mà phương án tăng thuế sốc có thể làm tổn hại tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Nên chọn phương án ít gây sốc hơn cho doanh nghiệp
Theo nhóm nghiên cứu, sự thay đổi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, và theo đó ảnh hưởng chung tới tâm lý của các nhà đầu tư. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng bia như một nét văn hóa, giải khát. Nhiều quốc gia trên thế giới phát triển các sản phẩm bia để thúc đẩy du lịch.
Hơn 20 ngành bị ảnh hưởng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. |
Do vậy, việc lựa chọn tăng thuế theo phương án 3 có thể vừa đảm bảo điều tiết tiêu dùng, tăng nguồn thu, nhưng vẫn góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển ngành du lịch và nông nghiệp.
Trên thực tế, công cụ hành chính như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã chứng minh tác dụng rất hiệu quả tới giảm tiêu thụ rượu, bia. Việc đa dạng các công cụ để điều tiết tiêu dùng bia như công cụ thuế, biện pháp hành chính, tuyên truyền, giáo dục... là cần thiết. Với nhiều công cụ điều tiết khác nhau nên có thể lựa chọn phương án tăng thuế ít gây sốc hơn đối với doanh nghiệp, với người lao động và nền kinh tế.
Nếu xét chung về tác động kinh tế, với cả ba phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành trong nền kinh tế. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách Nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng.
Nhưng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn, và sẽ sụt giảm trong trung và dài hạn. Trong khi đó, sản xuất thu hẹp khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, kéo theo giảm nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
Với các dữ liệu, kết quả và phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, phương án 3 là lựa chọn phù hợp hơn bởi vẫn đảm bảo được tăng thu ngân sách Nhà nước, nhưng gây tác động ít tiêu cực hơn tới ngành bia và 21 ngành trong nền kinh tế; do đó mức độ ảnh hưởng tới GDP và tăng trưởng GDP cũng thấp hơn.
Điều quan trọng nữa đó là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, duy trì mức độ bền vững về thu nhập của người lao động. Người dân và doanh nghiệp trông chờ một chính sách thuế phù hợp hướng tới tạo động lực và tinh thần kinh doanh, đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước và điều tiết tiêu dùng hướng tới mục tiêu hài hòa các lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.