Nếu không nỗ lực sẽ đến lúc không còn rừng để bảo vệ
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã gửi tới thanh niên một thông điệp mạnh mẽ và đầy cảm xúc về nỗi hổ thẹn khi không thể cứu những cánh rừng quý báu cuối cùng qua những câu chuyện và hình ảnh ám ảnh. Đến với buổi Đối thoại “Thanh niên và báo chí - Hành động vì môi trường xanh”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng giữ vai trò là một diễn giả. Trước những thanh niên cùng chung tình yêu với môi trường và khát khao hành động để thay đổi, anh cho các bạn xem các bức ảnh và tư liệu tố cáo thảm trạng khó tin nhưng có thật đang ăn ruỗng lá phổi xanh từ Tây Nguyên đến Tây Bắc.
Toàn cảnh buổi đối thoại “Thanh niên và báo chí - Hành động vì môi trường xanh” |
Mong muốn các bạn trẻ vào cuộc với tư cách nhà báo tầm sâu
Là nhà báo điều tra kì cựu trong vấn đề bảo vệ môi trường trong đó có rừng và động vật hoang dã, anh Doãn Hoàng chua chát thừa nhận mình vẫn bị lừa bởi nhiều khi “lâm tặc” không phải chỉ là kẻ cầm cưa cưa gỗ mà còn là những “tổng đạo diễn” ẩn núp trong chính bộ phận được nhà nước giao cho trách nhiệm bảo vệ rừng.
Chính vì vậy, nhà báo khẳng định để có những tác phẩm báo chí thật sự tử tế với mẹ rừng, anh muốn các bạn trẻ vào cuộc với tư cách là nhà báo tầm sâu, bóc đến tận cùng vấn đề.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng |
Nhà báo Doãn Hoàng từng viết trong thiên phóng sự “Yok Đôn, hổ thẹn với rừng!”: “Tôi thật sự thấy hổ thẹn với rừng, khi đi trong cảnh những cây gỗ hương vài trăm năm tuổi bị xẻ thịt, những gốc cây rừng bị đốt la liệt như vậy - trong khi cơ quan chức năng bỏ mặc rừng, nhiều người chỉ biết đến cãi cọ, tố cáo, hạ bệ nhau bằng đủ “mánh”, họ không quên cả chiêu bài dùng chính cái chết của rừng và đường đi mờ ám của gỗ rừng để anh nọ “bắt lỗi” anh kia”.
Anh nhắn nhủ với thế hệ trẻ yêu môi trường: “Đâu là bài toán cuối cùng để cứu những cánh rừng. Phải thay đổi luật, thay máu thế hệ. Phải truyền thông để thế hệ sau thực sự yêu rừng. Các bạn thực sự yêu rừng thì rừng sẽ được bảo vệ”.
Nhà báo Trường Sơn |
Góp tiếng nói đối thoại với thanh niên, nhà báo Trường Sơn, cho rằng: “Các bài báo hiện nay đa phần khi viết về động vật hoang dã chỉ là điểm tin. Tôi cho rằng muốn thay đổi nhận thức muốn làm tốt vai trò của báo chí, người làm báo phải đi sâu vào các vấn đề, xâm nhập vào những hang ổ, phải dùng ngôn ngữ của chính mình để thay đổi nhận thức của người dân”.
Nhà báo Trường Sơn cũng cho các bạn trẻ xem hình ảnh vô số những chiếc bẫy thú trong rừng và khẳng định” Nếu tình trạng săn bắt động vật hoang dã không được xử lý thì chúng ta chỉ có thể thấy những con vật đó trên thước phim”.
Nhà báo, chuyên gia Trần Lệ Thùy |
Kỳ vọng về mạng lưới kết nối nhà báo với giới trẻ
Chuyên gia Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI thì mang đến đối thoại một cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng báo chí truyền thông phản ánh các vấn đề về môi trường. Chị cho biết có tới 39 lĩnh vực mà một nhà báo môi trường có thể phản ánh. Tuy nhiên, các nhà báo hiện nay đa phần vẫn chỉ phản ánh các hiện tượng riêng lẻ chứ không theo hệ thống, để đưa đến cái nhìn tổng thể hơn về nguyên nhân, xu hướng cho bạn đọc.
Cả 3 diễn giả đều cho rằng: ý thức bảo vệ môi trường không tự nhiên sinh ra mà phải tuyên truyền để tạo ra ý thức. Và truyền thông thay đổi nhận thức phải bằng những câu chuyện, hình ảnh trực quan tác động mạnh vào thính giác, thị giác cảm xúc của người khác.
Nhiều bạn trẻ đến với sự kiện đang làm những dự án về môi trường và loay hoay làm sao để thu hút sự chú ý của cộng đồng, của báo chí.
Bạn Hà Thu, đại diện nhóm Mắt Xanh |
Bạn Hà Thu, đại diện nhóm Mắt Xanh - chia sẻ về khó khăn của các bạn trẻ khi khó có cơ hội tham gia những chuyến đi thực địa về môi trường để có những tác phẩm truyền thông có chiều sâu, việc thiếu kỹ năng từ nhập vai đến các mối quan hệ.
Bạn Cẩm Tú, nhóm dự án Y4PD |
Còn bạn Cẩm Tú đang làm dự án Y4PD về môi trường ở 5 trường tại Nam Định cho biết: các bạn gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ với các tòa soạn báo. Bản thân các bạn làm trong dự án về môi trường không nhiều khi loay hoay trong chia sẻ thông tin làm sao cho khéo mà không thô.
Bạn Sơn, một phóng viên trẻ mới vào nghề thì gặp khó trong vấn đề liên hệ với các cơ quan chức năng và chuyên gia để phỏng vấn để làm sâu sắc, đa chiều các bài viết về môi trường.
Có khoảng 40 bạn trẻ tham gia đối thoại cùng 30 nhà báo trong khuôn khổ sự kiện |
Các diễn giả đã có những câu trả lời thú vị cho các thắc mắc này. Các chuyên ra cho rằng: Khi bắt tay truyền thông môi trường, các bạn trẻ phải nắm chắc các nền tảng của thực hành báo chí: bạn đọc quan tâm tới những vấn đề liên quan tới họ và những câu chuyện gây tò mò. Bên cạnh đó, người trẻ phải tận dụng các nguồn lực, các mối quan hệ để xây dựng một network riêng….
Thông qua sự chia sẻ, trao đổi giữa các nhà báo và thanh niên đã mang lại gợi mở về một mạng lưới kết nối giữa nhà báo và thanh niên tạo thành sức mạnh tập thể, tạo nên những thay đổi, từng bước giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Không ai dạy chúng ta về rác và sự ngây thơ "có lỗi" "Không ai dạy chúng ta đồ đạc từ đâu tới, rác sẽ đi đâu. Chúng ta cứ vô tư tiêu dùng, vứt rác và nghĩ ... |