Không ai dạy chúng ta về rác và sự ngây thơ "có lỗi"
Thanh niên vì môi trường: Để trào lưu trở thành ý thức Hà Nội: Tôn vinh nhiều tấm gương điển hình tiên tiến về môi trường 48 giờ lập trình ý tưởng nhân văn |
Rác thải, sống xanh và rất nhiều ngộ nhận
Là diễn giả chính của hội thảo, bà Đỗ Vân Nguyệt mang đến hội thảo câu chuyện dài về môi trường từ việc tầng ôzôn tự lành, trái đất bớt ô nhiễm trong đại dịch Covid-19 tới những mô hình sáng tạo vì môi trường của thanh niên.
Nói với thanh niên về môi trường, bà Vân Nguyệt cho biết: "Không ai dạy chúng ta đồ đạc từ đâu tới, rác sẽ đi đâu. Chúng ta cứ vô tư tiêu dùng, vứt rác và nghĩ rằng hẳn là sẽ có ai đó sẽ xử lý đống rác thải khổng lồ chúng ta thải ra. Nhưng thực tế là không có ai cả".
Bà nói thêm rằng: "Tôi rất thích sử dụng hình ảnh trong bộ phim về con tàu Titanic; chúng ta chỉ nhìn thấy được mỏm đầu của tảng băng. Trên mỏm đầu của tảng băng đó, nó có thể là rác nhựa, có thể là vấn đề về biến đổi khí hậu, nó co có thể là hạn hán, nhưng cái quan trọng hơn nữa là chúng ta nhìn xuống phía dưới của vấn đề. Chúng ta nhìn thấy chúng ta ở đâu đó trong vấn đề này chứ không phải câu chuyện của chung".
Bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) |
Một thách thức với người trẻ là nhận thức về môi trường được rồi nhưng lại lúng túng không biết làm thế nào để tốt hơn cho môi trường.
"Ai cũng có thể thay đổi từ các câu chuyện nhỏ", Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng khẳng định. Đó có thể là việc tạo album những việc bạn làm cho trái đất như một cô bé du học sinh từng làm. Đó có thể là việc bạn chụp ảnh mẹ đi chợ bằng làn, chụp lại bà bán rau với slogan "Ở đây bán rau, không bán túi nilon" và lan tỏa trên mạng xã hội. Đó có thể là việc trồng thêm những chậu cây nhỏ, xanh hóa ngõ xóm như các bạn trẻ làm trong dịch Covid-19...
Các bạn trẻ yêu môi trường đến tham dự hội thảo |
Người trẻ Việt có rất nhiều sáng tạo trong câu chuyện môi trường nhưng làm sao để số đông nhận thức được và quan trọng là chúng ta đi cùng nhau, cùng hành động?
"Năm 2001, Chủ tịch một huyện đảo đã nói với chúng tôi khi tổ chức hỗ trợ cho thanh niên nhặt rác trên biển, chi phí bỏ ra cao hơn nhiều so với việc thuê thẳng một công ty môi trường nhưng họ vẫn làm. Đó là vì khi thanh niên nhặt rác, họ sẽ thấy khó, thấy khổ, có nhận thức thực tế về môi trường để thay đổi và tác động tới người khác để thay đổi", bà Vân Nguyệt chia sẻ về câu chuyện về thanh niên và chính quyền cùng đi chậm nhưng tốt hơn cho môi trường.
Các khách mời tham dự hội thảo chia sẻ dự án Thanh niên vì môi trường |
Cũng trong hội thảo, MC Thu Phương chia sẻ: "Chúng ta hay nói chúng ta phải bảo vệ Trái Đất, nhưng thực ra Trái Đất không cần chúng ta bảo vệ, không có con người, Trái đất vẫn trong lành và thậm chí tươi xanh hơn rất nhiều. Chúng ta bảo vệ môi trường, là cứu chính con người chúng ta. Đó là lý do trong rất nhiều những giải pháp được đưa ra, yếu tố con người vẫn đặt lên trước nhất và những dự án vì môi trường được ra đời, hoạt động rộng khắp, và không bao giờ là đủ".
Bạn trẻ Đặng Thùy Dương, từng làm việc trong các dự án môi trường, tán đồng quan điểm này và cho rằng trong suốt những năm qua, tự bản thân cô không bao giờ tự nhận là "bảo vệ môi trường" bởi thực tế những gì con người sản xuất, sử dụng đều khai thác từ mẹ thiên nhiên. Môi trường xấu đi là do những tác động của con người và các hoạt động vì môi trường chỉ làm giảm thiểu mức độ có hại của những tác động đó. Đó là chưa kể trong hành động vì môi trường có rất nhiều ngộ nhận. Chẳng hạn như việc khẳng định dùng túi giấy bảo vệ môi trường nhiều hơn túi nilon. Tuy nhiên, việc sản xuất túi giấy gây tác động tới môi trường nhiều hơn sản xuất túi nilon. Theo tính toán, 1 túi giấy phải tái sử dụng được 43 lần mới được coi là tốt hơn so với túi nilon dùng 1 lần...
Bạn Đặng Thùy Dương |
Thúc giục hành động của giới trẻ bằng truyền thông
TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người nhiều tuổi nhất hội thảo đã có những chia sẻ thẳng thắn với các bạn trẻ yêu môi trường. Ông cho biết, hơn 30 năm làm công tác truyền thông, ông và hội đã nhiều lần phỏng vấn khảo sát người dân biết gì về môi trường? Và qua câu trả lời của họ, ông biết rằng những hội nghị, hội thảo, những chiến dịch ra quân, những hô hào to tát... đều chưa đi vào cuộc sống của người dân.
Góp ý cho các bạn trẻ trong nhóm Mắt Xanh, 8 thành viên nòng cốt sẽ vận hành dự án Thanh niên vì môi trường của quỹ Vì Tầm Vóc Việt, ông cho rằng, các bạn cần truyền thông trúng đích. Và đích đến ở đây là 20 triệu thanh niên học sinh, đây là đầu ra của tất cả các lực lượng trong xã hội sau này.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng |
Góp một ý kiến trong hội thảo là nhà báo, cây bút nổi tiếng Lê Doãn Hoàng. Nhà báo Lê Doãn Hoàng cho biết, dù có lịch sử 4,7 tỷ năm nhưng nếu thu nhỏ Trái Đất của chúng ta như mô hình quả địa cầu thì bầu khí quyển chỉ là 2 lớp sơn mỏng manh. Như vậy rừng, đại dương vô cùng dễ tổn thương.
Đã đến lúc các nhà bảo vệ môi trường cần thúc giục hành động của người trẻ mà cách thúc giục tốt nhất là thông qua truyền thông, thông qua những người có ảnh hưởng trực tiếp với giới trẻ. Việc bảo vệ môi trường cần đến từ tri thức, từ sự hiểu biết đến hành động chứ không phải từ sự hô hào đao to búa lớn, nhà báo kiêm nhà hoạt động môi trường khẳng định.
Ngoài những câu chuyện, những chia sẻ đầy ý nghĩa của các khách mời, Hội thảo còn giới thiệu 8 bạn trẻ trong nhóm Mắt Xanh, những nhà truyền lửa cho dự án Thanh niên vì môi trường. Ngay tại hội thảo, những người truyền lửa trẻ tuổi đã mang đến những thông điệp đầy ý nghĩa qua tiểu phẩm "Người chó - Chó người".
Cùng với đó, các đại biểu, khách mời cùng nhau gắn lên những chiếc lá yêu thương nhằm gửi gắm các thông điệp về bảo vệ môi trường. Mỗi chiếc lá gắn lên tựa như những nỗi trăn trở đối với vấn đề ô nhiễm môi trường hay cũng có thể là những lời cam kết cho những hành động xanh.
Dự án “Thanh niên vì Môi trường” Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã vượt qua 82 ứng viên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để lọt vào top 13 sáng kiến nhận tài trợ của Asia Pacific Media Grant 2020 (Earth Journalism Network - AJN) và Ngân hàng TMCP Bắc Á. Dự án ra đời sẽ giúp các bạn trẻ xây dựng một kênh truyền thông về các vấn đề môi trường và xây dựng mối quan hệ đối tác, kết nối với các bên liên quan khác như các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và các doanh nghiệp, nhằm huy động nguồn lực cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường. Các hoạt động chính của dự án bao gồm: Thành lập nhóm thành viên nòng cốt, vận hành fanpage “Mắt Xanh”, tập huấn tăng cường năng lực cho thanh niên, tọa đàm đối thoại với các bên liên quan; truyền thông các vấn đề môi trường thông qua phim tài liệu và tài trợ các sáng kiến về môi trường của thanh niên. |