Nếu gặp vấn đề gì thì người nông dân có thể gặp Bộ trưởng
Nông dân cùng chia sẻ kế sách với Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân |
Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Tại hội nghị, đặt vấn đề với đại diện Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đặt câu hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ...
Đồng thời, ông Huy cũng kiến nghị cần có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. |
Cũng nêu câu hỏi, bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo bà Gái, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Bà Hoàng Thị Gái cũng nêu câu hỏi Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
"Sau thiên tai, nông dân chúng tôi mới thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn", bà Hoàng Thị Gái nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Trả lời câu hỏi của ông Huy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung bởi ngành nông nghiệp đang còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nếu không tập trung thì không thể nào có quy mô lớn, không có phân công lao động.
Theo đó, cần lưu ý xây dựng vùng nguyên liệu tập trung thì chúng ta phải ghép những mảnh đất nhỏ lại. Bản thân đất đai không phải quyết định tất cả mà con người phải tập trung vào đó, tạo thành chuỗi nguyên liệu ngành hàng..
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vùng nguyên liệu phải là các nguyên liệu trong chuỗi ngành hàng gồm sản xuất, bảo quản, có chế biến và phát triển thị trường, có liên kết các doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là vùng nguyên liệu tập trung, ở đó có lực lượng khuyến nông, lực lượng cơ sở tham gia để khi ghép lại lớn mạnh, đồng thời nâng cao năng lực cấp uỷ chính quyền địa phương, ngành khuyến nông, nông nghiệp, công thương..để hỗ trợ cho vùng nguyên liệu tập trung.
"Như đối với ngành hàng dâu tằm, tôi thiết nghĩ bước đầu phải lập kế hoạch, trong đó có bao nhiêu người tham gia, thị trường ở đâu, giống trong nước hay ngoài nước, chúng ta mong muốn là gì, sau đó tập hợp bà con nông dân mong muốn gì, phần nào làm được, phần nào cần Nhà nước hỗ trợ", ông Hoan nói.
Với câu hỏi của bà Gái, ông Lê Minh Hoan cho biết, Câu lạc bộ Đại Điền của Hải Phòng bây giờ đã tập hợp 3.000ha gom từ 20.000 con người, thì trong đó phải phân loại được bao nhiêu người cho thuê 1 năm, trên 1 năm, trên 5 năm, rồi trên 10 năm, ta phải lập danh sách để đối thoại với từng người một, giá cả như thế nào.
Chúng ta phải dự đoán được lợi nhuận tăng lên bao nhiêu, từ đó có hỗ trợ cho bà con, người đã nhường phần thuê cho mình sản xuất, từ đó bà con sẽ yên tâm hơn trong việc cho thuê, so với trước đây làm lúa thì thu nhập chỉ có bây nhiêu, nhưng giờ tôi cho thuê được còn cao hơn 1 hay 2 lần, hay 5 lần gì đó.
Đây không chỉ đơn thuần là tích tụ, tập trung đất đai, tính cân đo trên số tiền giữa người thuê với người đi thuê, mà nó là niềm tin, bà con cho thuê đất có lợi hơn bỏ đất hoang.
"Tôi cũng mong muốn nếu gặp vấn đề gì người nông dân có thể gặp Bộ trưởng, các cấp chính quyền để tư vấn cho bà con, miễn sao nhất phải lập được kế hoạch, từ kế hoạch đó chúng ta mới tính toán ra được nguồn lực, tính toán được nhà kho, nhà xưởng, quy mô đất đai, tính toán thị trường ở đâu, liên kết doanh nghiệp nào…", ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, bà con cũng cần nâng cao năng lực cùng với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để thực hiện.