Nâng giáo dục kỹ năng dạy con lên tầm... quốc gia
5 bước giúp cha mẹ cùng con vượt qua thất bại ‘Em đâu biết việc đó là xấu, thấy bố mẹ làm thì học theo thôi’ Tác hại nhãn tiền khi thiếu tin tưởng con |
Khoảng trống trong kỹ năng làm cha mẹ
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng Ban gia đình (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, xã hội hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề trong đó có những thách thức làm biến dạng nền văn hóa, xói mòn hệ giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống. Nhiều bậc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc, dạy bảo con khiến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đối diện với sự phát triển không toàn diện. Vì lý do đó, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất thực hiện chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ.
Một nghiên cứu đầu năm 2019 của Tổ chức Plan khảo sát nhu cầu giáo dục cách làm cha mẹ tại Việt Nam cũng cho thấy: có 56,1% người mẹ và 68,6% người cha mong muốn được tham gia các lớp học về giáo dục kỹ năng làm cha mẹ. Đặc biệt, tỷ lệ này cao hơn hẳn ở những tỉnh có điều kiện khó khăn, khu vực dân cư còn nghèo như nông thôn, vùng núi. Một số tỉnh có nhu cầu tham gia chương trình hỗ trợ làm cha mẹ với tỷ lệ rất cao như Bình Dương (100%), Quảng Nam (75%).
Các bậc cha mẹ sẽ được dạy cách chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho con trẻ. (Ảnh minh họa)
Theo kết quả khảo sát của Plan, chỉ có hơn 20% người mẹ đã được tiếp cận, tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ, đặc biệt tỷ lệ này thấp dưới 10% ở người cha. Điều này dẫn tới hệ quả là tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực cả thể chất tinh thần ngày càng gia tăng, nhưng cha mẹ không có phương pháp giáo dục, bảo vệ.
Trước sự cấp thiết đó, từ đầu năm 2019 tới nay, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng Chương quốc gia trình giáo dục làm cha mẹ. Trải qua 3 lần lấy ý kiến tiếp thu của các bộ ngành và các đơn vị có liên quan, ban soạn thảo đã tổng kết và ban hành dự thảo cụ thể.
Theo đó, chương trình sẽ giúp cha mẹ có kỹ năng hỗ trợ trẻ phát triển ở lĩnh vực chăm sóc y tế (tập trung về dinh dưỡng, vệ sinh, phòng bệnh và xử trí bệnh thông thường); lĩnh vực giáo dục (tập trung hỗ trợ trẻ về học tập, giáo dục tài chính sớm, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, tự kỷ...); bảo vệ trẻ (tập trung phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em).
Hoạt động can thiệp được thiết kế phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo bình đẳng giới, huy động sự tham gia tích cực của ông bố và bà mẹ trong các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ trẻ em theo từng giai đoạn tuổi, chú ý một số đối tượng cha mẹ đặc thù làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, cha mẹ khuyết tật hoặc có con bị khuyết tật, cha mẹ đơn thân, cha mẹ vùng đồng bảo dân tộc thiểu số...
Mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu ít nhất 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ được trực tiếp tiếp cận các nguồn thông tin giáo dục làm cha mẹ; 50% cha mẹ, người chăm sóc được tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, bảo vệ trẻ, định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ; 50% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tập huấn kiến thức về giáo dục tiền hôn nhân, làm cha mẹ...
Ngoài ra, mỗi xã sẽ có ít nhất 1 tình nguyện viên hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại cộng đồng; mỗi xã phường sẽ rà soát, xây dựng ít nhất 1 mô hình/dịch vụ hiệu quả về giáo dục làm cha mẹ (nhóm cha mẹ, CLB mẹ - con nuôi dạy con tốt, điểm tư vấn về giáo dục làm cha mẹ...); hàng năm, các địa phương tổ chức đánh giá, chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm, củng cố chất lượng, quy mô các mô hình tại cơ sở. 100% các tỉnh, thành đưa hoạt động của chương trình vào Chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và phân bổ ngân sách cụ thể cho chương trình.
Giáo dục toàn diện thể chất, tinh thần
Bác sĩ Nguyễn Trọng An – chuyên gia về lĩnh vực trẻ em đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Ông An cho rằng, rõ ràng vấn đề giáo dục làm cha mẹ là vấn đề rất nhân văn, đúng ra phải được triển khai từ lâu.
Dự kiến, nếu được phê duyệt chương trình sẽ được triển khai từ 2020 - 2025. Trong đó 3 năm đầu xây dựng và triển khai thí điểm tại 3-5 tỉnh/thành phố; đánh giá kết quả thí điểm và nhân rộng ra toàn quốc. 2 năm sau, triển khai rộng trên toàn quốc; đề xuất chính sách từ kết quả triển khai chương trình. |
“Vừa qua có rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, nguyên nhân gốc rễ là do giáo dục trong gia đình bị xem nhẹ. Cha mẹ không có kiến thức, kỹ năng dẫn tới không thể giáo dục con cái một cách toàn diện, an toàn” – ông An phân tích.
Mặc dù đồng tình với việc thực hiện chương trình nhưng bản thân ông An cho rằng ban soạn thảo cần phải triển khai đồng bộ, nghiên cứu kỹ để tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện với các chương trình có liên quan về chăm sóc bà mẹ, trẻ em nhằm kết nối nguồn lực tạo kết quả cao nhất khi thực hiện chương trình.
Thống nhất với nội dung trong chương trình nhưng ông Nguyễn Võ Kỳ Anh – chuyên gia giáo dục sớm cho rằng, ngoài những mục tiêu hướng dẫn, giáo dục cha mẹ kỹ năng dạy con cần quan tâm hơn về “giáo dục thời kỳ thai giáo” vì đây là thời kỳ rất quan trọng trong việc hình thành thể chất, tâm lý của đứa trẻ từ những năm tháng đầu đời.
Ông Anh cũng phân tích thêm: “70% dân số Việt Nam làm nông nghiệp, sống ở nông thôn, vùng núi, điều kiện kinh tế khó khăn vì thế không có điều kiện tiếp cận với kiến thức nuôi dạy con. Chính bởi vậy, theo tôi cần ưu tiên đầu tư nguồn lực để hỗ trợ dạy cha mẹ vùng khó khăn này. Để làm được điều này cũng cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên tình nguyện tham gia tư vấn, giáo dục, kết nối cha mẹ với nhau”.
Bà Trần Thị Nhung – chuyên gia gia đình cũng khẳng định sự cần thiết của việc phải giáo dục cho cha mẹ các kỹ năng giáo dục con cái. Tuy nhiên, theo bà Nhung trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, nên chăng không cần đặt mục tiêu phải tập huấn, kỹ năng làm cha mẹ cho bao nhiêu %. Thay vào đó nên cung cấp thông tin giáo dục làm cha mẹ lên mạng để cha mẹ có thể chủ động tiếp cận.
“Theo tôi vấn đề quan trọng hơn là ai sẽ là người có trách nhiệm đưa vấn đề này vào lồng ghép với các chương trình ở địa phương. Để làm được điều này cần có sự tham gia nhiều đơn vị. Chương trình này thực chất là nhằm mục đích chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhưng việc giáo dục trẻ em không chỉ có bố mẹ, gia đình mà còn có cả nhà trường và xã hội. Vậy cần có cơ chế phối hợp thế nào để đạt được mục đích hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em” – bà Nhung chia sẻ.
Đại diện đến từ Bộ Y tế thì cho rằng, có thể tính toán để cấp chứng chỉ giáo dục cho cha mẹ khi cha mẹ tham gia các lớp giáo dục kỹ năng. Để có chứng chỉ cha mẹ phải tham gia lớp học và vượt qua các kỳ thi đánh giá chuẩn năng lực làm cha mẹ.
Đồng tình và đánh giá cao tính nhân văn của chương trình, tuy nhiên nhiều chuyên gia gia đình, trẻ em khẳng định để thành công chương trình cần phải tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Không thể giáo dục bố mẹ theo hướng cưỡng bức trẻ em, không tôn trọng trẻ em. Và để thực hiện chương trình cần xây dựng một hệ thống gồm các bộ tài liệu đồ sộ.