Nâng cao ý thức người điều khiển giao thông là giải pháp lâu dài
Ẩn họa từ trào lưu đạp xe trên đường cao tốc Nghiên cứu bố trí làn đường dành riêng cho xe đạp Thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận của Thủ đô: Giới trẻ nói gì về xe đạp công cộng? |
Thấy cảnh sát giao thông là... quay đầu
Sau gần 1 tuần ra quân (từ ngày 15-20/9), Đội CSGT số 15 đã xử phạt với 11 trường hợp người đi xe đạp vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp.
Ngày 21/9, Chỉ huy Đội CSGT số 15 (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ ngày 15/9 đến nay, đơn vị liên tục bố trí các tổ công tác ngăn chặn, xử lý tình trạng người dân đạp xe vào làn dành riêng cho ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp.
CSGT đội 15 (Công an TP Hà Nội) đã xử phạt 11 trường hợp đi xe đạp vào làn ô tô ở đường Võ Nguyên Giáp |
Quá trình tuần tra, chốt trực, đơn vị này đã xử lý 11 trường hợp đi xe đạp vào làn dành riêng cho ô tô tại cung đường này.
Đánh giá sau gần 1 tuần liên tục xử lý, Đội CSGT số 15 cho biết, tình trạng người dân đạp xe vào làn ô tô đã giảm.
"Thời gian tới, đơn vị vẫn sẽ tiếp tục tuần tra, xử lý các trường hợp đi xe đạp vào làn dành riêng cho xe ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp", lãnh đạo Đội CSGT số 15 cho hay.
Khi phát hiện lực lượng CSGT, hàng loạt người đạp xe đã quay đầu lại |
Trao đổi thêm, lãnh đạo Đội CSGT số 15 chia sẻ, thực tế trong công tác xử lý người đi xe đạp vào làn ô tô, lực lượng CSGT trên tuyến gặp khó khăn vì cứ thấy CSGT là nhóm người vi phạm sẽ thông báo cho nhau thay đổi lộ trình di chuyển hay quay đầu ngược chiều, vác xe qua lan can đi vào đường gom bỏ chạy.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, những ngày qua, khi nào không có lực lượng CSGT chốt trực, vẫn có những đoàn xe đạp đi vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp.
Khi không có lực lượng CSGT, những đoàn xe đạp vẫn ngang nhiên đi vào làn dành riêng cho ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp |
Trước đó, Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin trên tuyến đường cao tốc Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) thường xuất hiện dòng người đạp xe thể dục "chạy đua với tử thần" bên cạnh xe container đang lưu thông với tốc độ cao. Dù cơ quan chức năng đã ra quân xử phạt nhiều lần, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Đường Võ Nguyên Giáp (hướng sân bay Nội Bài) có 6 làn dành riêng cho ô tô, tốc độ tối đa 80-90km/h. Các loại phương tiện thô sơ chỉ được di chuyển ở đường gom hai bên.
Mặc dù đã có biển cấm xe đạp, phương tiện thô sơ đi vào làn đường cao tốc, nhưng từ 5h30-7h mỗi sáng trên tuyến đường Võ Nguyên giáp thường xuyên xuất hiện nhóm người bất chấp nguy hiểm đạp xe vào làn đường dành cho ô tô.
Cần có giải pháp kịp thời
Phong trào đi xe đạp để rèn luyện sức khoẻ phải khẳng định là hoạt động thể thao lành mạnh. Phong trào này thời gian gần đây được rất nhiều người dân sống trên địa bàn thành phố Hà Nội hưởng ứng nhiệt tình.
Tuy nhiên, làm thế nào để rèn luyện sức khoẻ nhưng vẫn phải đúng quy định của pháp luật thì không phải ai biết cũng tuân thủ.
Anh Nguyễn Dũng, một người có sở thích đi xe đạp vào mỗi buổi sáng cho hay: Tôi đã nghỉ hưu, nên có nhiều thời gian để dành cho các thú vui của mình. Tôi chọn bộ môn đi xe đạp vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa phù hợp với độ tuổi. Tuy nhiên, tôi thường chọn đạp xe quanh Hồ Tây vào lúc sáng sớm. Ở đây cảnh đẹp, mát mẻ và có nhiều người cũng thú vui với mình. Có lẽ đây là địa điểm thích hợp nhất ở Hà Nội cho bộ môn này. Gần đây tôi đọc báo cũng thấy có nhiều người đánh đổi tính mạng của mình khi đạp xe nối đuôi nhau trên đường Võ Nguyên Giáp. Đoạn đường này dành cho ô tô di chuyển nên tốc độ rất cao, người đi xe đạp vào đường này vừa phạm luật, vừa bị nguy hiểm rình rập. Cá nhân tôi đồng tình với việc lực lượng CSGT phải xử lý nghiêm tình trạng này.
Thực tế, việc xử phạt không phải là cách làm duy nhất và triệt để cho tình trạng đi xe đạp "nhầm làn", bởi khi có dấu hiệu vi phạm, ngành chức năng của Hà Nội đã "nghĩ" đến giải pháp cần có làn đường dành riêng cho xe đạp.
Theo đó, chiều 9/9, tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hữu Bảo cho biết, trong kế hoạch chống ùn tắc 2022 - 2025 của TP Hà Nội có đề cập vấn đề sẽ có làn đường dành riêng cho xe đạp.
Cụ thể, ngày 5/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong đó cũng đó có giao UBND của 5 thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nhiệm vụ, bao gồm nội dung nghiên cứu, thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Căn cứ vào nội dung này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 225 ngày 31/8/2022 để thực hiện Nghị quyết 48 này. Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó, có nhiệm vụ nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe đạp trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cũng cho biết, đối với nội dung này thì đây là nhiệm vụ mới và thực hiện chỉ đạo của UBND TP thì đến nay, Sở GTVT đang được giao chủ trì và phối hợp với Công an TP, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện nghiên cứu để đề xuất, triển khai. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết: “Nội dung này mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu”.
Vì thế, trước khi có làn đường dành riêng cho người đi xe đạp, thì thiết nghĩ người điều khiển phương tiện xe đạp cần nâng cao ý thức tham gia giao thông của chính mình. Đừng giao tính mạng mình cho người khác đến khi có chuyện xảy ra lại hối tiếc với hai từ "giá như".
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt từ 300 - 400 nghìn đồng. |